Thành công của AEON tại Việt Nam cùng mô hình mua sắm một điểm đến, đa dịch vụ (one-stop shop)
Vì sao AEON ăn nên làm ra tại Việt Nam?

Bên cạnh mô hình kinh doanh thành công, Aeon còn ghi điểm với người tiêu dùng bởi những điều nhỏ rất liên quan đến dịch vụ khách hàng, tạo hình ảnh về một trung tâm thương mại Nhật Bản rộng rãi, sạch sẽ và dịch vụ tốt.

Mới đây tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Motoya Okada, Chủ tịch Tập đoàn AEON cho biết Tập đoàn đang triển khai kế hoạch trung và dài hạn tại Việt Nam, coi Việt Nam là thị trường quan trọng không kém thị trường chính tại Nhật. Tập đoàn này dự kiến tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra chủ tịch AEON còn cho biết tập đoàn dự kiến niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam như thủy sản, hàng may mặc… sang Nhật Bản.

Nhìn lại lịch sử AEON chính thức hoạt động tại Việt Nam từ cuối năm 2009 dưới hình thức Văn phòng đại diện. Tính đến thời điểm hiện tại, AEON có 4.000 nhân viên, mở rộng kinh doanh tại 6 tỉnh thành, với 4 mô hình chính: Trung tâm mua sắm và Trung tâm bách hóa tổng hợp & Siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, siêu thị vừa và nhỏ và sàn thương mại điện tử.

Tại sao ông lớn ngành bán lẻ Nhật Bản lại kinh doanh thành công trong khi nhiều đại gia ngoại khác đuối dần trong cuộc đua?

Hơn nhau ở mô hình trung tâm thương mại

Báo cáo phân tích ngành bán lẻ mới đây của công ty chứng khoán Bản Việt nhận định, trong lĩnh vực cho thuê bất động sản, mô hình mua sắm và giải trí tại một điểm đến duy nhất (one-stop shop) đã chứng minh được đây là một công thức thành công cho các TTTM hiện đại. Những doanh nghiệp đang theo đuổi mô hình này gồm Aeon và Vincom Retail.


Chia sẻ với tạp chí Forbes hồi tháng 5 năm 2020, ông Nishitohge Yasuo - cựu Tổng giám đốc công ty TNHH Aeon Việt Nam nhận định so với các quốc gia khác, nhu cầu của khách hàng người Việt thay đổi nhanh, cùng chiều với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Sự thay đổi về sở thích của người tiêu dùng cũng kéo theo sự dịch chuyển của các mô hình bán lẻ.

Nhìn lại lịch sử, cửa hàng đầu tiên của Parkson tại Việt Nam – Parkson Saigon Tourist Plaza – khai trương vào năm 2005 tại khu vực trung tâm của TP. HCM. Doanh nghiệp bán lẻ này từng đạt được thời kỳ đỉnh cao giai đoạn 2005- 2010 với 9 cửa hàng bách hóa hoạt động tại Việt Nam giúp giới thiệu các thương hiệu quốc tế đến người tiêu dùng trong nước.

Thế nhưng mô hình cửa hàng bách hóa này sớm bộc lộ một số nhược điểm so với hình TTTM được Aeon, Vincom Retail áp dụng. Trong khi đó các TTTM cung cấp trải nghiệm mua sắm một điểm đến trong đó người tiêu dùng có thể tận hưởng trải nghiệm bán lẻ đa dạng.

One-stop shop – Xu thế phát triển của ngành bán lẻ truyền thống

Mô hình One–stop shop (cung cấp tất cả dịch vụ tại một điểm đến) đang dần trở thành xu hướng không chỉ giúp các chuỗi cửa hàng bán lẻ vượt qua khủng hoảng, mà còn có thể đặt nền móng cho một nền bán lẻ hoàn toàn mới và hiện đại trong tương lai.