Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen và hành vi tiêu dùng khiến các mô hình bán lẻ truyền thống gặp nhiều khó khăn. Trong khi giá thuê mặt bằng không giảm, thì lưu lượng khách đến cửa hàng lại giảm mạnh. Sự thay đổi này đòi hỏi đổi mới trong cách vận hành bán lẻ. Mô hình One – stop shop (cung cấp tất cả dịch vụ tại một điểm đến) đang dần trở thành xu hướng không chỉ giúp các chuỗi cửa hàng bán lẻ vượt qua khủng hoảng, mà còn có thể đặt nền móng cho một nền bán lẻ hoàn toàn mới và hiện đại trong tương lai.
One-stop shop và những ưu thế
One-stop shop tạm dịch là cửa hàng một điểm đến, là trung tâm kinh doanh/cửa hàng có diện tích lớn, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng đa dạng về phong cách, mẫu mã, chủng loại đến phân khúc giá cả. Tại đây, chỉ một lần dừng chân, khách hàng có thể lựa chọn, mua sắm và sử dụng nhiều dịch vụ cho các nhu cầu khác nhau của mình.
Theo Investopedia, khái niệm về One-stop shop có từ đầu thế kỷ 20 ở Mỹ, khi một chuyến mua sắm hàng hóa đồng nghĩa với việc bạn phải đi khắp thị trấn để lấy thịt từ cửa hàng thịt, lấy rau từ chợ rồi lại qua cửa hàng bánh mì để mua bánh. Và đó mới chỉ là thực phẩm, còn những công cụ lao động và vật dụng gia đình khác đòi hỏi người ta phải ghé thăm nhiều cửa hàng hơn nữa. Sau đó, mọi người muốn tiết kiệm thời gian, vì vậy các cửa hàng đã đáp ứng lại bằng cách dự trữ một loạt các sản phẩm để khách hàng chỉ cần đến địa điểm của họ là có thể hoàn thành được phần lớn danh sách mua sắm của mình. Piggly Wiggly, được coi là cửa hàng tạp hóa tự phục vụ đầu tiên, mở cửa vào năm 1916. The Great Atlantic & Pacific Tea Company, hay còn được gọi là A&P, đã trở nên phổ biến ở các thành phố của Mỹ vào những năm 1920. King Kullen - siêu thị đầu tiên đã mở một cửa hàng rộng 6.000 foot vuông vào năm 1930. Chuỗi cửa hàng như Woolworth và JC Penney kinh doanh đủ loại mặt hàng sử dụng hàng ngày cũng mọc lên như nấm sau đó.
Cuối cùng, khái niệm về One-stop shop được mở rộng theo thời gian để bao gồm các dịch vụ kinh doanh. Sắc thái cũng chuyển từ cung cấp sản phẩm rộng rãi để thu hút nhiều khách mua hàng tạp hóa hơn sang cung cấp tất cả các sản phẩm và dịch vụ bổ sung cho khách hàng trong một khu vực cụ thể. Cụ thể, những năm 1980 chứng kiến sự trỗi dậy của các "siêu thị tài chính " các công ty môi giới như Merrill Lynch bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, sản phẩm bảo hiểm, thẻ tín dụng và thậm chí cả dịch vụ bất động sản.
Vì chuyên kinh doanh đa dạng sản phẩm của một ngành hàng nên One-stop shop mang đến cho người tiêu dùng sự tập trung, chuyên sâu nhất định của sản phẩm trong ngành hàng đó. Việc chú ý đến các khía cạnh trong cuộc sống của khách hàng cho phép cửa hàng cung cấp dịch vụ và điều chỉnh để làm sao phù hợp trong từng lĩnh vực. Mô hình này cũng khiến mức độ tin cậy cao tăng lên theo thời gian khi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ của một doanh nghiệp cụ thể nhiều hơn và xây dựng mối liên hệ cá nhân với doanh nghiệp đó. Có thể có những đặc quyền về lòng trung thành đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp đạt được mức độ tin tưởng cao hơn rằng khách hàng sẽ không chuyển sang nhà cung cấp khác chỉ vì lý do giá cả.