Loạt đại học mở mới ngành Tài chính, Công nghệ
Nhiều đại học mở mới ngành Fintech (Công nghệ tài chính), Thương mại điện tử, các ngành đào tạo kỹ sư trong lĩnh vực Công nghệ thông tin

Nhiều đại học mở mới ngành Fintech (Công nghệ tài chính), Thương mại điện tử, các ngành đào tạo kỹ sư trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.

Năm 2023, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM tuyển sinh bốn ngành mới là Luật, Khoa học dữ liệu, Công nghệ tài chính, Thương mại điện tử với chỉ tiêu mỗi ngành là 60.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, cho hay việc mở các ngành này dựa trên khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp. Trong đó, Khoa học dữ liệu, Công nghệ tài chính, Thương mại điện tử là những ngành "khát" nhân lực, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0.

Theo báo cáo thị trường nhân lực giai đoạn 2010-2020 của VietnamWorks, nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực Công nghệ thông tin tăng gấp bốn lần sau một thập kỷ. Khoa học dữ liệu là một trong bảy nhóm ngành thuộc lĩnh vực này có nhu cầu tuyển dụng phổ biến nhất.

Báo cáo cũng cho thấy Công nghệ tài chính (Fintech) là ngành được đề xuất mức lương cao nhất cho ứng viên Công nghệ thông tin với mức đăng tuyển trung bình là 1.115 USD (khoảng 26 triệu đồng). Thương mại điện tử đứng thứ ba với 895 USD (khoảng 21 triệu đồng).

Ông Sơn cũng đánh giá trong những năm gần đây, Fintech và Thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng đáng kể và ngày càng trở nên gần gũi. "Nhà trường đã có ý tưởng từ những năm trước nhưng đến nay mới đủ kinh nghiệm và có sự chuẩn bị tốt nhất để mở ngành", ông Sơn nói.

 

Fintech cũng là một trong bốn chương trình đào tạo mới tại Học viện Ngân hàng, bên cạnh Ngân hàng số, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị du lịch. Trưởng phòng Đào tạo Trần Mạnh Hà cho biết việc này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế trong giai đoạn tới. Chỉ tiêu mỗi ngành này khoảng 50-60.

Thuộc khối trường Kinh tế, năm nay Đại học Thương mại tuyển sinh chương trình đào tạo ngành Phân tích kinh doanh trong môi trường số. Đại học Kinh tế TP HCM mở năm chương trình mới gắn với kỷ nguyên số bao gồm: Công nghệ tài chính, Công nghệ Marketing, Kinh doanh số, Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo, Kỹ sư Công nghệ Logistic với chỉ tiêu mỗi ngành 50-70.

Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông dự kiến tuyển sinh thêm bốn ngành mới gồm Kinh tế số, Truyền thông và quan hệ công chúng, Công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng (chương trình chuẩn) và Marketing số (chương trình chất lượng cao) với tổng chỉ tiêu lên mức gần 4.300, tăng gần 500 so với năm ngoái.

Liên quan đến Công nghệ thông tin, Đại học RMIT ra mắt ngành Kỹ sư phần mềm. Dù nhiều trường đã tuyển sinh ngành này, cùng thực tế làn sóng sa thải xuất hiện ở các công ty công nghệ lớn trên toàn cầu, trường nhận định nhu cầu kỹ sư phần mềm ở Việt Nam vẫn rất lớn. Báo cáo thị trường IT - Tech Hiring 2022 của TopDev dự báo từ năm 2022 đến 2024, Việt Nam vẫn thiếu hụt 150.000-195.000 lập trình viên/kỹ sư hàng năm.

Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) ra mắt chương trình đào tạo bậc cử nhân ngành Thiết kế sáng tạo với ba chuyên ngành Đồ họa công nghệ số, Thiết kế thời trang và sáng tạo, Thiết kế nội thất bền vững. Ngành này bắt đầu tuyển sinh từ năm nay với 150 chỉ tiêu.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm khoa, cho biết ngành học này hướng đến đào tạo sinh viên thiết kế sáng tạo theo hướng phát triển bền vững, có sự nhạy bén về kinh doanh, cũng như có năng lực ứng dụng công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số.

"Ở thời đại công nghiệp 4.0, việc thiết kế không chỉ là thủ công mà còn là thiết kế trên máy, phải biết về những mảng như big data. Vì vậy, ngay khi xây dựng chương trình, chúng tôi đã xác định sinh viên phải thành thạo các công cụ số nhằm bắt kịp thời đại, tạo ra những sản phẩm bắt kịp nhu cầu thị trường", ông Hiệu chia sẻ.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022 có khoảng 467.400 thí sinh nhập học đại học. Trong đó, 26% vào các ngành thuộc lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý, lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin có 13%, Công nghệ kỹ thuật 9%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tới đây sẽ ban hành danh mục ngành thí điểm đào tạo, gồm những ngành mới nhưng tuyển sinh tốt, hoặc có dự báo tin cậy về nhu cầu nhân lực trong tương lai. Các trường đại học cũng được hướng dẫn rà soát, loại bỏ những ngành không còn nhu cầu của xã hội và những ngành mới kém hiệu quả.

Hiện còn nhiều trường chưa công bố đề án tuyển sinh năm 2023. Theo kế hoạch tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường cần công bố trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển ít nhất 30 ngày.

Nguồn: vnexpress


Bài học "nhớ đời" từ miếng bít tết của nhà sáng lập Panasonic: Bạn được tôn trọng không phải do bạn giỏi, mà do người ta giỏi
Cách đối nhân xử thế của vị cố nhân lừng danh Konosuke Matsushita luôn để lại cho người ta bao suy ngẫm.