Bài toán "Định giá phần mềm" - vấn đề muôn thủa
Vấn đề định giá phần mềm hiện nay vẫn đang là một bài toán phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các dự án CNTT của đất nước. Việc ban hành một cơ chế định giá thống nhất là việc cần làm ngay, nhưng không thể làm vội , làm sót để khiến cả người mua, người bán đều bị mắc, không biết gỡ từ đâu.

Không chỉ đến bây giờ vấn đề định giá phần mềm mới trở thành vấn “nóng”, thu hút sự quan tâm của nhiều ngành liên quan. Thực tế là từ nhiều năm nay, đã có nhiều cuộc họp, nhiều phương án định giá được đưa ra áp dụng thử, song vẫn chưa có một phương pháp nào thực sự thuyết phục để có thể áp dụng thống nhất trong cả nước. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ xây dựng, phê duyệt cũng như giải ngân cho các dự án đầu tư ứng dụng CNTT.

Việc chưa có một cơ sở định giá hợp lý hiện đang được coi là một rào cản lớn trong tiến trình phát triển của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Thiếu một cơ sở định giá phù hợp, người mua và người bán không thể tìm được tiếng nói chung dẫn đến chậm tiến độ những dự án đầu tư hay nâng cấp phần mềm là chuyện đã xảy ra không chỉ một lần. Bài toán định giá phần mềm không phải đến bây giờ mới được đặt ra, nhưng chưa biết đến bao giờ mới có được câu trả lời hoàn chỉnh.

Sản Phẩm Trí Tuệ - Định Giá Thế Nào? 

Theo nhiều chuyên gia, cần có một quy định pháp lý cho việc định giá phần mềm, làm cơ sở cho việc tính toán đầu tư các dự án phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin ở nước ta hiện nay. Thế nhưng cơ sở nào để có thể định giá cho loại sản phẩm mà "nguyên liệu chính" để sản xuất ra sản phẩm là "vô hình", là một câu hỏi đang được nhiều người đặt ra khi bàn luận đến việc định giá phần mềm.

Phần mềm trước hết là sản phẩm hàng hoá, vì thế phải có căn cứ để xác định giá thành sản phẩm của nó. Sản phẩm phần mềm mang đặc thù của kinh tế tri thức, là sản phẩm của sáng tạo trí tuệ, việc định giá sẽ khác hơn so với việc định giá một công trình xây dựng, một sản phẩm may mặc... Theo một số ý kiến của một số chuyên gia trong sản xuất phần mềm thì, căn cứ duy nhất cho việc định giá sản phẩm phần mềm là quy trình sản xuất công nghiệp của lĩnh vực sản xuất phần mềm. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta cần có một quy định chuẩn chung về quy trình phần mềm để làm thước đo định giá phần mềm.

Trong quy trình sản xuất phần mềm có trên dưới 10 bước cơ bản, đó là: Khảo sát, phân tích, thiết kế, thẩm định thiết kế, mô hình hóa (prototyping), lập trình, kiểm thử, chạy thử (pilot), đóng gói và chuyển giao. Mỗi công đoạn này được chia nhỏ chi tiết tới từng phần việc, mỗi phần việc được tính theo giờ công lao động theo các cấp độ khác nhau, từ công lao động chuyên gia bậc cao, đến công lao động giản đơn... Trên cơ sở quy trình sản xuất đó, giá trị của sản phẩm sẽ được "mổ xẻ" để tính chi phí từng công đoạn một.

Phần Mềm “Vô Giá”, Doanh Nghiệp Thiệt Thòi

Với hơn 50 lập trình viên, mỗi năm Công ty giải pháp phần mềm FPT triển khai khoảng 60 dự án làm sẵn, và khoảng 60 hợp đồng kí kết với khách hàng. Khách hàng chính của công ty là các ngân hàng thương mại, các cơ quan tài chính, chính phủ, tổ chức thuế, ban tài chính, các doanh nghiệp lớn của Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề đau đầu hiện nay của FPT là làm sao để khách hàng chấp nhận các bảng báo giá, và đồng ý thanh toán cho những chi phí phát sinh, đôi khi do lỗi từ phía khách hàng.



Theo ông Dương Dũng Triều, Giám đốc Công ty giải pháp phần mềm FPT thì: "Yêu cầu của khách hàng thay đổi thường xuyên, hoặc những lý do khác từ phía khách hàng làm kéo dài thời gian triển khai hợp đồng, nhưng chúng tôi không được thanh toán cho những phần kéo dài ấy. Kinh phí ký hợp đồng thường cố định một giá, chủ đầu tư cũng không có cách nào mà trả thêm tiền cho chúng tôi được".

Tiến độ triển khai việc ký kết hợp đồng với khách hàng cũng là một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp phần mềm. Chưa có một căn cứ chính thức để định giá, việc thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư phần mềm thường phải lặp lại quy trình rất lâu. Thông thường, để triển khai một hợp đồng đầu tư cho phần mềm, phải mất đến vài năm.

Ông Dương Dũng Triều còn cho biết thêm: "Có những hợp đồng phải kéo dài so với dự định nhiều năm. Chẳng hạn như, một dự án của chính phủ có quyết định đầu tư từ năm 2003, đến năm 2004 mới đấu thầu xong tư vấn, đến giữa 2005 mới ký được hợp đồng tư vấn đó, và nếu theo lịch thì phải đến cuối 2006 mới đấu thầu được. Trong khi theo kế hoạch ban đầu thì đến 2005 hệ thống có thể chạy được".

Khó khăn này không chỉ của riêng FPT mà còn là của hầu hết các doanh nghiệp phần mềm. Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, hiện nay đang tồn tại một thực tế là doanh nghiệp phần mềm đưa ra giá cao thì khó được thị trường chấp nhận. Nhưng ngược lại, đưa ra giá quá thấp, không đủ chi phí dẫn đến việc triển khai dự án cứ “giậm chân tại chỗ”. Trong tình hình đó, không ít doanh nghiệp đã phải đối phó theo kiểu: “tát nước theo mưa".

Cũng theo ông Dương Dũng Triều: Nhà cung cấp dịch vụ không có lãi, thậm chí còn bị lỗ với giá của nhà đầu tư đưa ra. Việc định giá phần mềm nói chung thấp hơn công sức làm ra. Khách hàng không quan tâm quá trình phát triển của các lập trình viên hoặc các công ty phần mềm. Thứ 2 là trong quá trình lập trình rất nhiều phát sinh mới không được tính tiền. Thứ 3 khi kết thúc, phát sinh việc nâng cấp, hỗ trợ bảo hành bảo trì không được tính giá nên giá trị phần mềm của khách hàng rất thấp.

Các chủ đầu tư đang định giá sản phẩm phần mềm trên cơ sở: giá thành của vật tư đầu vào cộng chi phí sản xuất và lãi. Thế nhưng, nguyên liệu "đầu vào" chủ yếu của phần mềm lại là một thành phần khó "đong đếm", đó là chất xám. Các doanh nghiệp phần mềm lúc này lại có lý khi cho rằng, phải tuỳ theo tính năng của phần mềm, hiệu quả mà nó mang lại. Một sản phẩm làm ra với giá thành thấp, nhưng nó có thể mang lại hiệu quả cao cho người sử dụng. Nếu không ai làm được hoặc làm tốt hơn thì sản phẩm ấy có quyền bán 1 cái giá nào đó gấp 10, gấp 100, hay thậm chí 1000 lần giá thành sản xuất.

 Nguyên liệu "đầu vào" chủ yếu của phần mềm lại là một thành phần khó "đong đếm", đó là chất xám.

Ngoài ra một số doanh nghiệp phần mềm có bí quyết kinh doanh khác: Chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ nếu sản phẩm đó không quá đặc thù, có thể nhân rộng phát triển đại trà cho nhiều khách hàng khác. Doanh nghiệp có thể chấp nhận lấy công làm lãi để đặt hi vọng vào các dự án tương tự kế tiếp có thể đem lại lợi nhuận tốt hơn do lợi thế kinh nghiệm (experience curve) từ các dự án đi trước. Thậm chí các doanh nghiệp phần mềm có thể tách thành công các thành phần cốt lõi (Core) để tạo ra sản phẩm riêng cho doanh nghiệp và từ đó ra đời một mảng kinh doanh mới.

Thiếu Cơ Sở Định Giá, Chủ Đầu Tư “Né Tránh” Phần Mềm

Hải quan được đánh giá là một ngành khá nhạy bén trong ứng dụng CNTT vào các hoạt động của mình. Chương trình Hải quan điện tử đã được ứng dụng tại Hải Phòng và TP.HCM từ rất sớm và thể hiện hiệu quả đặc biệt. Do đặc thù của ngành, hải quan là một khách hàng lớn và khá thường xuyên của các doanh nghiệp phần mềm. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tỉ lệ đầu tư cho các dự án phần mềm mới chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số ngân sách đầu tư cho CNTT của ngành.

Nguyễn Công Bình, Cục trưởng cục CNTT và thống kê hải quan cho biết: "Trong những năm trước 2006 thì đầu tư cho ngành hải quan khoảng 100 tỷ đồng Vịêt Nam, trong đó phần mềm chiếm 10 tỷ đồng. Phần mềm này bao gồm cả phần mềm thuê các công ty phần mềm chuyên nghiệp để triển khai dự án phần mềm, cộng với các chi phí khác như: đào tạo, khảo sát, thiết kế..."

Nói đến việc triển khai các dự án CNTT sử dụng vốn ngân sách, các chuyên gia và các nhà quản lý trong ngành đều lắc đầu ngao ngán. Cho đến cuối năm 2004, các dự án trong "Kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển CNTT đến 2005" mới giải ngân được khoảng 12%. Trong đó, các dự án đầu tư cho CNTT lại chủ yếu tập trung vào việc mua phần cứng. Mua về và "đắp chiếu" để đấy. Nguyên nhân? Ai cũng hiểu, phần cứng rốt cục cũng chỉ là cái xác, còn phần mềm, phần hồn thì vẫn còn đợi đơn giá để ..duyệt chi.

Các dự án đầu tư cho CNTT lại chủ yếu tập trung vào việc mua phần cứng. Một máy chủ cấu hình tốt cũng có giá tới trên dưới 1 tỷ VNĐ. Phần mềm cũng tùy theo quy mô mà có giá dao động thực tế từ 500 triệu đến cả chục tỷ, thế nhưng các sản phẩm phần mềm không được định giá cao như phần cứng do phần cứng có giá niêm yết rõ ràng trên các website của nhà cung cấp, đại lý...

Ông Chu Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và công nghệ Tân Thành An phát biểu: "Đầu tư về CNTT thì phần cứng nó có đánh giá rất rõ ràng. Ví dụ một cái máy chủ thì 2GH hay là 1Gb Ram, màn hình 17 inch thì nó có một cái giá rõ ràng. Do đó, những doanh nghiệp phần mềm sẽ chịu thiệt thòi trong lĩnh vực đầu tư CNTT. Theo ngân sách Nhà nước thì tất cả những lĩnh vực đầu tư về CNTT đều phải có đơn giá, nhưng phần mềm thì không có đơn giá".

Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề "định giá các sản phẩm phần mềm" đang được ứng dụng trong các doanh nghiệp, tổ chức nhà nước, thì hầu hết đều nhận được những lời từ chối khéo. Phải chăng vấn đề này quá tế nhị? Hay liên quan đến quyền lợi của một số người? Câu trả lời xem ra không quá phức tạp đến vậy.

Giải Bài Toán Định Giá Phần Mềm – Đến Bao Giờ?

Câu chuyện của doanh nghiệp phần mềm FPT và Tổng cục Hải quan cũng chỉ là một trong số những câu chuyện dở khóc dở cười phổ biến hiện nay, liên quan đến hai đối tượng chính trong mối quan hệ cung cầu các sản phẩm phần mềm. Nhìn vào cách giải bài toán định giá phần mềm mà chúng ta đã loay hoay trong nhiều năm qua có thể thấy nguyên nhân là không nắm được các quy trình sản xuất một sản phẩm phần mềm, không có cơ sở để định giá. Nhưng đã có đầu tư thì phải có giải trình ngân sách, và thế là người ta định giá phần mềm như việc đầu tư xây dựng cơ bản, có nghĩa là có đủ cả các giai đoạn thiết kế, giải phóng mặt bằng, tính toán khối lượng đất. Điều này khiến cho không ít các doanh nghiệp phần mềm dở khóc dở cười.

Ông Dương Dũng Triều, Giám đốc công ty giải pháp phần mềm FPT cho biết: "Hiện nay tất cả các khách hàng đều dùng cái quy chế gọi là đầu tư xây dựng cơ bản để làm cho các phần mềm. Chúng tôi đã làm rất nhiều các dự án, nhưng khi bắt đầu giải ngân, quyết toán bắt đầu người ta lấy tất cả văn bản, mẫu mã của các dự án đầu tư cơ bản trong đấy phải tính toán khối lượng đất, xi măng...là bao nhiêu".

Thế nhưng, như ông Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ BCVT đã nói, phần mềm nó rất đặc thù, nếu như xây một ngôi nhà, anh phải thiết kế trước, căn cứ vào thiết kế ấy mới tính được giá bao nhiêu. Chi phí của thiết kế ấy chỉ bằng một vài % so với tổng giá trị công trình. Nhưng phần mềm không thể làm như thế được. Bởi vì thiết kế ra một phần mềm chiếm tỷ trọng rất lớn, lên đến 1/2 tổng giá trị cái phần mềm, nó phải được coi là công đoạn thi công".

Quá trình phân tích (còn gọi là Business Analyst - BA), thiết kế ra một phần mềm  và mô hình hóa (prototyping) chiếm tỷ trọng rất lớn, lên đến 1/2 tổng giá trị cái phần mềm, nó phải được coi là công đoạn thi công. Tuy vậy rất ít dự án phần mềm chú trọng đến công đoạn thiết kế chuẩn từ "đầu vào" dẫn đến hậu quả là nhiều dự án trễ tiến độ, tình trạng "đẽo cày giữa đường" triền miên khiến cho sản phẩm có nguy cơ gặp thất bại, hệ thống sau khi "launching" chạy không ổn định, sau một thời gian sẽ "đắp chiếu" vì sự nhiệt huyệt và kiên nhẫn của những người vận hành không còn nữa... 

Chưa có một cơ chế định giá phần mềm thống nhất trong cả nước. Một số đơn vị triển khai các dự án ứng dụng CNTT, hoặc các ngành Tài chính – Ngân hàng đều phải có các quy chế đặc biệt về định mức đầu tư mang tính nội bộ. Những đơn vị khác không nằm trong khuôn khổ điều chỉnh của những quy định mang tính nội bộ nói trên thì vẫn phải tuân thủ theo các quy định của NĐ52, NĐ16. Thế nhưng, đây vẫn chỉ là những quy định nặng về xây dựng cơ bản.

Như vậy, việc không có một cơ chế chung trong vấn đề định giá phần mềm là một trong những vướng mắc lớn trong quá trình phát triển của công nghệ phần mềm Việt Nam. Các dự án mua sắm phần mềm của các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước được đánh giá sẽ đóng góp một vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của thị trường phần mềm trong nước. Tuy nhiên, việc "dè dặt" trong việc mua những dự án phần mềm phục vụ cho quản lý và sản xuất một phần xuất phát từ sự phức tạp và thiếu những căn cứ cho việc định giá phần mềm.

Cách đây hơn chục năm vê trước, ông Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ BCVT cho biết: "Cuối năm 2004, khi đánh giá lại kết quả thực hiện các chương trình ứng dụng CNTT 2001 - 2005, mới chỉ có 12% số vốn dự toán được giải ngân… Một trong những lý do là chúng ta chưa có một quy chế hay quy định về quản lý đầu tư các dự án CNTT cho phù hợp. Trong quy chế quản lý dự án đầu tư CNTT thì vấn đề định giá là một trong những vấn đề có thể nói là nhạy cảm và then chốt nhất".

Xác định vấn đề định giá phần mềm có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của ngành CNTT nói chung và công nghệ phần mềm nói riêng, Bộ BC - VT đặt quyết tâm phải tìm ra lời giải cho bài toán định giá phần mềm trong thời gian sớm nhất. Đó cũng là lý do Bộ BCVT quyết định thành lập một cục mới - Cục ứng dụng CNTT với nhiệm vụ trọng tâm là phải tìm ra được lời giải có thể chấp nhận được cho vấn đề định giá phần mềm.

Mới đây, sinh viên CNTT Việt Nam đã có cơ hội giao lưu cùng người giàu nhất hành tinh, tỉ phú Bill Gates, kiến trúc sư trưởng hãng phần mềm danh tiếng Microsoft. Bill Gates có khuyên sinh viên Việt Nam hãy tham gia vào lĩnh vực phần mềm, bởi đây là một ngành đầy hứa hẹn trong tương lai. Thế nhưng, cách đối xử với phần mềm hay chất xám của chúng ta cho đến nay vẫn còn quá nhiều mâu thuẫn, liệu chúng ta có dám hi vọng của một siêu cường phần mềm trong tương lai?

Via Vấn đề định giá phần mềm hiện nay vẫn đang là một bài toán phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các dự án CNTT của đất nước. Việc ban hành một cơ chế định giá thống nhất là việc cần làm ngay, nhưng không thể làm vội , làm sót để khiến cả người mua, người bán đều bị mắc, không biết gỡ từ đâu. 



Mô hình Hybrid Agile là gì?
Giờ đây, mô hình Agile đã nhân rộng sang các tổ chức lớn hơn trong nhiều lĩnh vực, chúng ta cũng đang thấy rất nhiều biến thể của Agile. Chúng ta đã quen với nhiều framework, kỹ thuật và phương pháp được sử dụng, từ XP đến Scrum, Kanban đến cách thức phân phối liên tục các kết quả (continuous delivery). Tuy nhiên, gần đây chúng ta ngày càng nghe nhiều hơn về việc sử dụng các phương pháp “Hybrid”.