Keiretsu là một thuật ngữ của Nhật Bản, chỉ kiểu mạng lưới kinh doanh được tạo thành từ các công ty khác nhau, bao gồm nhà sản xuất, đối tác chuỗi cung ứng, nhà phân phối và đôi khi là cả công ty tài chính. Chúng làm việc cùng nhau, có mối quan hệ chặt chẽ và đôi khi sở hữu cổ phần nhỏ lẫn nhau, trong khi vẫn hoạt động độc lập.
Ngoài Nhật Bản, thuật ngữ keiretsu thường chỉ các liên minh không chính thức của từ 3 tổ chức trở lên.
Nếu như nền kinh tế Hàn Quốc bị tác động bởi các Chaebol, thì nền kinh tế Nhật Bản sau thế chiến thứ hai được vực dậy và làm cho phát triển mạnh mẽ nhờ các tập đoàn lớn có liên kết với nhau gọi là các Keiretsu. Cũng như các Chaebol Hàn Quốc, Keiretsu ở Nhật Bản cũng được chính phủ trọng đãi.
Trên thực tế, nhiều thập kỉ sau khi được hình thành, keiretsu vẫn đại diện cho các bộ phận chính của nền kinh tế nước Nhật. Mỗi một công ty trong sáu công ty xe hơi của Nhật Bản thuộc về một keiretsu, và các công ty điện tử lớn của Nhật cũng tương tự như vậy.
Zaibatsu - tiền thân của Keiretsu
Các Keiretsu có tiền thân là các Zaibatsu. Sau khi bại trận trong Thế chiến thứ hai, nền kinh tế Nhật Bản sụp đổ toàn phần. Lực lượng Đồng Minh chủ tâm triệt hạ nền tảng phát xít ở Nhật Bản bằng cách phá vỡ các zaibatsu - các tập đoàn công nghiệp khổng lồ vốn kiểm soát nền kinh tế nước Nhật trước Thế chiến thứ hai. Trước kia bốn zaibatsu lớn nhất (Mitsibishi, Mitsui, Sumotomo, Yasuda) chiếm khoảng ¼ tổng tài sản công nghiệp Nhật Bản.
Sau chiến tranh thế giới thứ II, trình độ tập trung tư bản của các Zaibatsu đã đạt mức rất cao: 10 Zaibatsu lớn nhất lên đến 53% trong ngành tài chính, 49% trong công nghiệp nặng và 17% trong công nghiệp nhẹ.
Điểm khác nhau lớn nhất giữa zaibatsu và keiretsu là mối quan hệ sở hữu và sự chi phối kiểm soát giữa các bên. Nếu như phía zaibatsu là quan hệ sở hữu và quyền kiểm soát thuộc về một gia đình tài phiệt nào đó, thì trong keiretsu, quan hệ sở hữu chính là tỷ lệ nắm cổ phần chéo giữa các công ty trong nhóm. Do vậy, các công ty luôn chịu sự chi phối và kiểm soát lẫn nhau.
Các Zaibatsu thực chất là mô hình công ty gia đình, chỉ được thừa kế bởi những người chung huyết thống, là công ty theo kiểu nửa phong kiến, được chính phủ hậu thuẫn và là công cụ của Chính phủ khi có chiến tranh xảy ra. Khi Keiretsu xuất hiện, nền kinh tế Nhật Bản trở nên dân chủ hơn.
Keiretsu ngang và keiretsu dọc
Hệ thống keiretsu được cấu trúc theo mô hình tích hợp ngang hoặc dọc.
Một keiretsu ngang được đặc trưng bởi một liên minh gồm các công ty trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả một ngân hàng. Ngân hàng là trung tâm của mạng lưới và chịu trách nhiệm cung cấp cho những bênkhác các dịch vụ tài chính.