Xây dựng tiêu chuẩn cho hệ thống truy xuất nguồn gốc
Hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG) nhằm giám sát, xác định một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG) nhằm giám sát, xác định một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh. Trong hệ thống TXNG, mã truy vết và vật mang dữ liệu là các công cụ quan trọng bảo đảm việc quản lý thông tin và lưu trữ, truyền tải dữ liệu một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác.


Hiện nay, thông tin về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, sự minh bạch thông tin của sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng chú trọng. Trước nhu cầu của người tiêu dùng và yêu cầu của thị trường, một số doanh nghiệp trong nước chủ động triển khai xây dựng hệ thống TXNG nhằm khẳng định tính minh bạch thông tin và chất lượng sản phẩm của mình. Cùng với đó là sự xuất hiện của một số lượng lớn các nhà cung cấp giải pháp về TXNG.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các đơn vị cung cấp giải pháp TXNG đang hoạt động độc lập, khả năng kết nối, tương tác và trao đổi thông tin giữa các bên trong chuỗi cung ứng còn thấp. Thậm chí, một vài giải pháp không có tính mở cho việc kết nối. Doanh nghiệp dù áp dụng hệ thống TXNG nhưng phần lớn chỉ áp dụng nội bộ, gặp khó khăn khi muốn trao đổi, liên kết, chia sẻ dữ liệu. Nguyên nhân do hệ thống sử dụng những cách thức định danh, mã truy vết riêng, không có tính thừa nhận, kết nối lẫn nhau. Do đó, việc sử dụng thống nhất các mã truy vết theo tiêu chuẩn chung là cần thiết để chuẩn hóa việc TXNG.

Bên cạnh đó, chưa có sự thống nhất về hình thức thể hiện các loại tem TXNG. Nội dung tem còn sơ sài, đơn giản, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, đôi khi gây nên sự hoài nghi về tính hiệu quả của hệ thống TXNG. Thêm vào đó, các tem hiện có nhiều hình thức, mầu sắc, kích thước và thực hiện một số chức năng khác như xác thực hàng giả, bảo hành, thông tin sản phẩm, tích điểm. Phần lớn các tem này chỉ dừng lại ở mức độ sử dụng mã QR mã hóa dẫn liên kết tới website chứa thông tin sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều trường hợp mã truy xuất bị nhòe, mờ, kích thước, vị trí đặt không phù hợp, gây khó khăn hoặc không quét được. Các tem này chưa được chuẩn hóa về nội dung, hình thức và hầu hết chỉ cung cấp thông tin, chưa có khả năng TXNG thật sự.

Việc không thống nhất về các loại mã truy vết và vật mang dữ liệu trong hệ thống TXNG là một trong các nguyên nhân gây khó khăn cho việc tương tác và trao đổi thông tin giữa các hệ thống TXNG khác nhau. Do đó, xây dựng một tiêu chuẩn chung sẽ thống nhất được nội dung thông tin, hình thức, cách thể hiện dữ liệu và tăng cường khả năng truy xuất trong cùng hệ thống liên kết. Trước yêu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19-1-2019 phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG (Đề án). Việc triển khai Đề án sẽ giải quyết những hạn chế nêu trên, định hướng các hệ thống TXNG ở Việt Nam tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với quốc tế, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa tại Việt Nam và quốc tế.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án là xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về TXNG. Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng xong hai tiêu chuẩn quốc gia về mã truy vết và vật mang dữ liệu (TCVN 13274:2020 và TCVN 13275:2020). Theo đó, các đối tượng cần truy xuất thông tin trong hệ thống TXNG sẽ được định danh theo các loại mã truy vết phù hợp với mục đích, tính chất bao gồm: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết vận chuyển, mã truy vết địa điểm, mã truy vết tài sản. Các thông tin truy xuất được lưu trữ phục vụ việc quản lý, truy vết nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời cung cấp thông tin chuỗi sản xuất từ nguyên liệu thô đến thành phẩm cuối cùng, thành phần các chất sử dụng, việc tuân thủ các quy định và quy trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản sản phẩm trong chuỗi cung ứng… Các thông tin truy xuất được truy cập thông qua các vật mang dữ liệu. Vật mang dữ liệu phù hợp với hệ thống TXNG bao gồm các mã vạch một chiều, hai chiều và mã dùng sóng ra-đi-ô. Ngoài ra, tăng khả năng có thể quét được và giải mã dữ liệu của sản phẩm, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho người sử dụng. 

Theo Mai Thuỷ (Báo Nhân Dân)



Nền tảng ứng dụng công nghệ vào kinh doanh (Business Platform) là gì ?
Platform là một nền tảng mô hình kinh doanh tạo ra giá trị bằng cách tạo điều kiện trao đổi giữa hai hoặc nhiều nhóm phụ thuộc lẫn nhau, thường là người tiêu dùng và nhà sản xuất. Để thực hiện những trao đổi này, các nền tảng khai thác và tạo ra các mạng lưới người dùng và tài nguyên lớn, có thể mở rộng để có thể truy cập theo yêu cầu.