Toyota ứng dụng giải pháp tinh gọn  BCP vào giải quyết khủng hoảng như thế nào?
Kế hoạch kinh doanh không đứt quãng (Business Continuity Plan) là những bản mô tả cách Doanh nghiệp vận hành và ứng phó khi phải đối mặt với những nguy cơ tiềm tàng từ bên ngoài, ví dụ như đại dịch Covid làm nền kinh tế chung bị trì trệ.

Business Continuity Plan (BCP) là gì?

Kế hoạch kinh doanh liên tục (Business Continuity Plan) tức là những bản phác thảo hoặc bản mô tả cách Doanh nghiệp vận hành và ứng phó khi sắp sửa phải đối mặt với những nguy cơ tiềm tàng từ bên ngoài, ví dụ như đại dịch Covid làm nền kinh tế chung bị trì trệ.


Business Continuity Plan có thể xem như một “bí kíp sinh tồn” giúp Doanh nghiệp thích nghi tốt trong các giai đoạn khủng hoảng, giảm thiểu rủi ro và góp phần phục hồi kinh tế ở giai đoạn sau.


Chiến lược giúp Toyota ‘ung dung’ trong khủng hoảng chip toàn cầu

Quyết định dự phòng chip của Toyota đã được khởi xướng từ một thập kỷ trước, sau thảm họa Fukushima.

Thảm họa kép Fukushima ngày 11/3/2011 đã khiến cả nước Nhật Bản lâm vào thời kỳ đen tối. Toyota, một trong những nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, cũng không tránh khỏi hậu quả nặng nề. Chuỗi cung ứng nguồn của Toyota bị ảnh hưởng trầm trọng, khiến hãng nhận ra vai trò quan trọng của bán dẫn khi phải đối mặt với các cú sốc lớn tương tự.

Theo Reuters, đó là lý do Toyota nảy ra ý tưởng về kế hoạch đảm bảo kinh doanh liên tục (BCP), yêu cầu nhà cung ứng dự trữ số chip tương ứng từ 2 tới 6 tháng cho công ty. Nhờ vậy, trong khi thế giới đang rơi vào cơn khủng hoảng chip bán dẫn do nhu cầu hàng hóa điện tử tăng đột biến, Toyota đến nay vẫn “ung dung”.

Một nguồn tin của Reuters tiết lộ, Toyota là hãng xe duy nhất trang bị đủ để đối phó với thiếu hụt chip.

Toyota khiến đối thủ và nhà đầu tư ngạc nhiên vào tháng trước khi thông báo sản lượng không gián đoạn lớn do thiếu chip, ngay cả khi Volkswagen, General Motors, Ford, Honda và Stellantis… đều buộc phải tạm dừng hoặc giảm công suất. Thậm chí, hãng xe Nhật Bản còn nâng dự báo sản lượng xe và doanh thu 54%.

Nguồn tin thân cận với Harman - chuyên hệ thống âm thanh hình ảnh xe hơi và công nghệ hỗ trợ tài xế - cho biết, công ty bắt đầu thiếu CPU và IC nguồn từ đầu tháng 11/2020. Dù Harman không sản xuất chip, do đã ký BCP với Toyota, họ có nghĩa vụ phải ưu tiên đối tác và đảm bảo đủ bán dẫn để duy trì nguồn cung trong 4 tháng hoặc hơn.

Những con chip đặt biệt hiếm đợt này là vi điều khiển (MCU), phụ trách một loạt tính năng như phanh, tăng tốc, lái, đồng hồ đo áp suất lốp, cảm biến mưa. Tuy nhiên, Toyota đã thay đổi cách mua MCU và các vi chip khác sau trận động đất và sóng thần năm 2011.

Khi đó, Toyota ước tính hơn 1.200 bộ phận và vật liệu cần mua sắm có thể bị ảnh hưởng và lập ra danh sách 500 mặt hàng ưu tiên, cần được cung ứng đủ trong tương lai, bao gồm bán dẫn của các nhà sản xuất chip hàng đầu như Renesas Electronics. Thảm họa kép khiến Toyota phải mất 6 tháng mới khôi phục được hoạt động sản xuất bên ngoài Nhật Bản. Nó gây sốc đối với hệ thống nhịp nhàng của Toyota, thứ đã đưa công ty nổi lên như người dẫn đầu thị trường về tính hiệu quả và chất lượng.

Hiện tại, khi rủi ro chuỗi cung ứng xuất hiện trong mọi ngành công nghiệp, quyết định 10 năm trước của Toyota cho thấy, họ sẵn sàng vứt bỏ các quy tắc kinh doanh riêng, khi nói tới bán dẫn và đã được hưởng thành quả.

Theo phát ngôn viên Toyota, một trong các mục tiêu của chiến lược tinh gọn hàng tồn kho là trở nên nhạy cảm với tính không hiệu quả, rủi ro trong chuỗi cung ứng, xác định các nút thắt cổ chai nguy hiểm nhất và tìm cách tránh nó. Với công ty, BCP là “giải pháp tinh gọn cổ điển”.

Kế hoạch BCP của Toyota cũng giúp họ chống chọi trước các thảm họa tự nhiên do biến đổi khí hậu, chẳng hạn siêu bão, cuồng phong gây ra lũ lụt và sạt lở khắp Nhật Bản, trong đó có các khu vực sản xuất chip.

Thiên tai không phải nguy cơ duy nhất. Các hãng xe đang lo sợ chuỗi cung ứng còn gián đoạn nhiều hơn do xe hơi trở nên “số hóa” hơn, cũng như cạnh tranh khốc liệt đối với bán dẫn từ các nhà sản xuất smartphone, máy tính, máy bay tới robot công nghiệp.

Nguồn tin cho biết, Toyota còn một lợi thế khác so với các đối thủ khi nói tới chip, đó là chính sách bảo đảm hiểu tất cả công nghệ trong xe, thay vì dựa vào nhà cung ứng. Một kỹ sư Toyota chia sẻ cách tiếp cận cơ bản ấy giúp họ nổi bật.

Nhờ sự nổi lên của xe điện và xe lai ghép cũng như các tính năng xe tự lái, xe thông minh, đã có bùng nổ trong công nghệ số và bán dẫn được các hãng xe sử dụng. Chúng cần tới năng lực điện toán lớn hơn và mở ra danh mục bán dẫn mới mang tên SoC, kết hợp nhiều CPU trên một bảng mạch. Công nghệ này quá mới và đặc thù, khiến nhiều nhà sản xuất ô tô phải giao nhiệm vụ quản lý rủi ro cho các nhà cung ứng lớn.

Song, Toyota đã tự nghiên cứu và phát triển bán dẫn để chuẩn bị cho việc ra mắt xe Prius năm 1997. Nhiều năm trước, họ tiếp cận nhân lực trong ngành công nghiệp chip và mở một nhà máy bán dẫn vào năm 1989 để hỗ trợ thiết kế, sản xuất MCU dùng để điều khiển hệ thống động lực trong của Prius. Toyota thiết kế và sản xuất MCU riêng cùng các con chip khác trong ba thập kỷ rồi chuyển giao nhà máy sản xuất chip cho Denso năm 2019 để củng cố hoạt động của nhà cung ứng.

Theo bốn nguồn tin, hiểu biết sâu sắc về thiết kế bán dẫn và quy trình sản xuất là nguyên nhân chính giúp họ tránh được tình trạng thiếu chip, bên cạnh các hợp đồng BCP.

ICTnews


One-stop shop – Xu thế phát triển của ngành kinh doanh dịch vụ
Mô hình One – stop shop (cung cấp tất cả dịch vụ tại một điểm đến) đang dần trở thành xu hướng không chỉ giúp các chuỗi cửa hàng bán lẻ vượt qua khủng hoảng, mà còn có thể đặt nền móng cho một nền bán lẻ hoàn toàn mới và hiện đại trong tương lai.