Bài học quản trị và kinh doanh từ nhà sáng lập Panasonic

Dù hoàn cảnh xã hội có thay đổi, kinh tế thế giới cũng đổi thay trong thời đại 4.0, nhưng những triết lý của ông Konosuke Matsushita – người sáng lập Tập đoàn Panasonic (Matsushita), ông tổ của phương thức kinh doanh hiện đại Nhật Bản- về giá trị con người vẫn luôn đúng trong kỷ nguyên công nghệ mới.

Matsushita Konosuke sinh năm 1894 tại Wakayama, là con trai thứ ba trong một gia đình có bảy anh chị em. Chưa đầy 10 tuổi, ông đã phải nghỉ học, xa cha mẹ đi học việc ở Osaka để kiếm sống và phụ giúp gia đình. Ông bắt đầu tiếp xúc với kinh doanh khi làm thêm ở tiệm bán xe đạp. Năm 16 tuổi, Konosuke có mối quan tâm đặc biệt đến các thiết bị điện và cho rằng trong tương lai, các thiết bại này sẽ trở nên phổ biến.


Với suy nghĩ đó, ông xin vào làm việc cho Công ty Bóng đèn Osaka. Trong khoảng thời gian này, ông quay lại trường học, vừa học vừa làm, đến năm 18 tuổi thì vào Trường Kansai Shoko ở Osaka. Năm 1917, bước vào tuổi 24, ông xin nghỉ việc và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh đui đèn do mình thiết kế.

Tháng 3/1918, xưởng chế tạo đồ dùng điện máy Matsushita được thành lập, đánh dấu sự ra đời của Tập đoàn Panasonic hôm nay. Năm 1925, thương hiệu National được sử dụng lần đầu tiên. Năm 1929, ông đổi tên xưởng sản xuất thành Công ty Điện khí Matsushita. Từ đó về sau là chuỗi ngày ông cống hiến toàn bộ tâm sức cho công việc kinh doanh với mục đích cao cả là nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế, đem lại phồn vinh cho xã hội.

Mỗi ngày một bài học – 365 triết lý hay nhất về kinh doanh và cuộc sống của người Nhật là một trong nhiều cuốn sách có giá trị về kinh nghiệm trong công việc và sự tự rèn luyện của Matsushita Konosuke. Từng câu từng chữ trong cuốn sách này thể hiện cách nhìn sắc sảo của một doanh nhân cùng những kinh nghiệm được đúc rút trong hành trình từ gian khó đến “thành nhân” của ông.

Trong cuộc đời doanh nhân của mình, không chỉ kinh doanh, Matsushita Konosuke còn hết sức quan tâm đến việc phát triển con người, phát triển xã hội. Ông thành lập Viện nghiên cứu PHP nhằm khởi xướng và hỗ trợ nâng cao đời sống con người qua con đường thịnh vượng, giàu có.


Dưới đây trích lược những triết lý sống và kinh doanh của “vị thánh của ngành kinh doanh” Nhật Bản.

1. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi lời

Kinh thánh có câu “Lúc khởi đầu đã có Ngôi lời”. Dù không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của câu này nhưng tôi nghĩ ở góc độ nào đó, nó khá phù hợp trong lĩnh vực kinh tế.

Nghĩa là, nhà kinh doanh, người đứng đầu phải lên tiếng trước tiên. Nói cách khác, lãnh đạo doanh nghiệp phải là người đầu tiên đưa ra ý tưởng và chia sẻ mục đích của ý tưởng đó cho mọi người. Triển khai cụ thể như thế nào thì để các phòng ban và nhân viên cùng suy nghĩ, nhưng việc chuyển hóa ý tưởng thành lời nói thì phải do chính lãnh đạo thực hiện.

2. Nuôi dưỡng tầm nhìn xa

Bồi đắp, nuôi dưỡng tầm nhìn chiến lược là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với người lãnh đạo. Nó quan trọng đến mức nhiều người cho rằng nếu không có tầm nhìn xa thì sẽ không có tư cách làm lãnh đạo. Thời đại biến chuyển không ngừng, không ít trường hợp ngày hôm qua đúng nhưng hôm nay trở nên lạc hậu.


Vì vậy, một khi nắm bắt được xu hướng thay đổi của thời đại, dự đoán được cục diện trong tương lai và có những phương sách đối phó thích hợp thì sẽ có được sự phát triển cho công ty, sự yên bình cho đất nước.

Đối diện với bất kỳ vấn đề nào mà vội vàng tìm đối sách để xử lý nhất thời thì nhất định quá trình giải quyết vấn đề sau đó sẽ không suôn sẻ. Cho nên tâm trí ta phải luôn ghi nhớ một điều: hãy nuôi dưỡng tầm nhìn xa.

3. Tư tưởng cầu nguyện

Tôi cho rằng không tự mình làm việc, chỉ biết cầu Trời khấn Phật để xin lợi lộc, may mắn và hạnh phúc là thái độ không nên có của con người. Trên đời này, chẳng thể nào có được những thứ lợi lộc dễ dàng và sẵn tiện như thế.


Nhưng một khi nghiêm túc bắt tay vào làm việc gì, mà muốn việc đó thành công, hay việc đó phải thành công, người ta thường nảy sinh tâm lý muốn cầu khấn đấng siêu nhiên. Cũng có trường hợp người ta tự đặt ra một ước mong nào đó để cầu Trời khấn Phật. Không chỉ thể hiện sự nghiêm túc, chân thành, việc làm này còn mang ý nghĩa nâng cao lòng quyết tâm. Tôi cho rằng có tư tưởng nguyện cầu như vậy là rất tốt.

4. Trời mưa thì che dù

Người làm kinh doanh phải hành động theo quy luật tự nhiên của đất trời. Tôi không nói chuyện gì to tát cả, đơn giản là nếu trời mưa thì ta che dù, vậy thôi.

Nghĩa là khi không bán được hàng thì đừng miễn cưỡng mà nên nghỉ, khi nào bán được lại sản xuất. Nói cách khác, cứ thuận theo tự nhiên mà làm.

5. Giữ vững quyết tâm

Điều quan trọng đối với người lãnh đạo là phải có ý chí. Chỉ có ý chí và quyết tâm mới tạo nên nhiệt huyết và ý tưởng cho công việc. Vì vậy, cần lập chí và quyết tâm thực hiện trong tất cả mọi việc. Nhưng không phải chỉ lập chí, quyết tâm một lần rồi thôi, mà cần kiên quyết theo đuổi ý chí đó đến cùng. Để làm được điều này, chúng ta phải không ngừng tự làm mới bản thân.

6. Trước khi tạo ra vật chất hãy chú trọng bồi dưỡng con người

Từ rất lâu rồi, tôi từng nói với các nhân viên trẻ, nếu khách hàng thân thiết có hỏi “Công ty Điện khí Matsushita sản xuất cái gì?” thì cứ trả lời: “Công ty Điện khí Matsushita là nơi bồi dưỡng con người và tạo ra sản phẩm điện khí”.

Sự nghiệp nằm ở con người, do vậy trước tiên phải nuôi dưỡng con người trưởng thành. Một công ty có những con người chưa trưởng thành và chín chắn thì không thể thành công. Suy nghĩ đó được các nhân viên thấm nhuần và trở thành nguồn động lực thúc đẩy công ty phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, mặc cho kỹ thuật, nguồn vốn lúc ấy vẫn còn nghèo nàn, lòng tin chưa đủ mạnh mẽ.

7. Bốn phần sở đoản, sáu phần sở trường

Con người ta ai cũng có sở đoản, sở trường. Vì vậy, khi tiếp xúc với nhiều người, cùng làm việc với nhau, ta sẽ chứng kiến những sở đoản và sở trường khác nhau, đa dạng và phong phú.

Trong trường hợp đó, nếu chỉ nhìn thấy sở đoản của cấp dưới, ta khó lòng sử dụng họ và hẳn họ cũng chẳng vui gì. Vậy nên ta hãy nhìn và nghĩ cách phát huy sở trường của họ để sử dụng nhân lực hiệu quả. Khi năng lực bản thân được cấp trên ghi nhận, cấp dưới sẽ có động lực làm việc chăm chỉ hơn. Đương nhiên, chỉ thấy điểm mạnh mà không màng điểm yếu cũng không được. Theo tôi, nhìn người mà thấy được bốn phần sở đoản, sáu phần sở trường là tốt rồi.

8. Trước tiên phải yêu thích

Hẳn mọi người đều từng nghe câu “có thích mới giỏi” và câu này có thể áp dụng với việc buôn bán, kinh doanh. Nếu muốn làm ăn phát đạt, trước tiên chúng ta phải quan tâm, hứng thú và yêu thích kinh doanh. Khi chúng ta thích rồi thì việc nỗ lực sẽ chẳng còn là khó khăn, vất vả nữa mà ngược lại, thoải mái và dễ dàng hơn. Và khi ấy, chúng ta không chỉ làm cho có, cho xong, mà là toàn tâm toàn ý làm thật xuất sắc. Tôi cho rằng đây chính là con đường dẫn đến thành công.

9. Giá trị của từng bước một

Công việc lúc nào cũng nhiều vô số kể. Muốn sản xuất cái kia, muốn hoàn thành cái nọ… – cứ thế chúng ta nghĩ hết việc này đến việc khác. Và để làm được, cần nhân lực, cần nguồn vốn, bao nhiêu là mong muốn, nguyện vọng, dường như không giới hạn. Vậy, có con đường nào đi đến thành quả nhanh hơn cách đi từng bước một không? Nhất định là không rồi.

Không có con đường nào ngoài con đường nối kết từng bước một. Chỉ cần bước từng bước một trên con đường lớn là được. Không cần đối sách, chiến lược, không cần gì cả. Cứ từng bước, một, rồi hai, rồi ba… thì sẽ đến đích. Chúng ta phải chậm rãi nếm trải sự quý giá của từng bước đi đó.

10. Dung mạo cũng là sản phẩm

Lâu nay tôi hầu như không bận tâm đến vẻ ngoài của mình, điều này khiến vẻ ngoài của tôi có nhiều điểm kém hấp dẫn. Có một lần, khi đến một tiệm cắt tóc nổi tiếng ở Ginza, tôi được người thợ cắt tóc khuyên thế này: “Ông không chăm sóc đầu tóc của mình thì cũng như làm vấy bẩn sản phẩm vậy. Là một giám đốc, đại diện công ty mà vẻ ngoài thế này thì sản phẩm công ty sẽ không bán chạy được. Nếu không để tâm đến những việc nhỏ, dù là cắt tóc thôi, thì khó làm nên việc lớn”.

Tôi cảm nhận sự chí tình, thấu đáo trong lời khuyên ấy và từ đó về sau, tôi quan tâm đến vẻ bề ngoài của mình hơn. Tôi đã được người thợ cắt tóc nọ dạy cho một bài học triết lý thời đại vô cùng quý giá.



NGUỒN GỐC CỦA ĐỘNG LỰC
ĐỘNG LỰC chèo lái HÀNH VI – Daniel H. Pink