Có rất nhiều định nghĩa về các loại hình bảo trì khác nhau. Điều này khiến cho nhiều đơn vị mới bắt đầu hoặc đang cần tìm hiểu nhanh để ứng dụng vào công tác bảo trì doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, bài viết hôm nay sẽ định nghĩa chi tiết về từng phương pháp bảo trì cụ thể, quan trọng hơn là phân loại đặc điểm và nhu cầu sử dụng của từng phương pháp tới doanh nghiệp.
Có tới 9 loại hình bảo trì hiện nay trên thế giới
Thực tế cần thừa nhận rằng, thuật ngữ không quan trọng. Điều quan trọng ở đây là đảm bảo chúng ta đang nói về cùng một loại, cùng một điều. Sẽ không có vấn đề gì nếu bài viết đề cập đến bảo trì dự đoán, nhưng bạn lại cho rằng đó là bảo trì có điều kiện. Bài viết này sẽ đảm bảo việc chúng ta. dù đang sử dụng thuật ngữ khác nhau, vẫn có thể cùng nói về một phương pháp với những nguyên tắc hợp lý và cơ bản.
Hiện nay thị trường có 9 loại bảo trì nằm trong hai mục bảo trì chính là bảo trì phòng ngừa và bảo trì khắc phục. Trong bảo trì phòng ngừa bao gồm 5 loại bảo trì và bản thân bảo trì phòng ngừa cũng là một loại bảo trì trong số đó, bảo trì khắc phục bao gồm hai loại bảo trì và bản thân đây cũng là một loại hình bảo trì của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa: roadtoreliability.com
Bảo trì phòng ngừa sẽ bao gồm 5 loại hình bảo trì chính:
- Bảo trì dựa trên thời gian (TBM)
- Bảo trì dựa trên lỗi tìm thấy (FFM)
- Bảo trì dựa trên rủi ro (RBM)
- Bảo trì dựa trên điều kiện (CBM)
- Bảo trì dự đoán (PDM)
Còn đối với Bảo trì sửa chữa/khắc phục (CM), doanh nghiệp sẽ phân ra 2 loại hình bảo trì chính:
- Bảo trì sửa chữa có thể trì hoãn
- Bảo trì sửa chữa khẩn cấp (EM)
Bảo trì phòng ngừa (PReventive Maintenance - PRM)
Bảo trì phòng ngừa được định nghĩa là “Một chiến lược bảo trì thiết bị dựa trên việc thay thế hoặc khôi phục một tài sản tại một khoảng thời gian cố định bất kể tình trạng của nó". Các nhiệm vụ khôi phục theo lịch trình và các nhiệm vụ thay thế là những ví dụ về các nhiệm vụ bảo trì phòng ngừa
Bảo trì phòng ngừa về cơ bản là một loại hình bảo trì được thực hiện định kỳ trong khi thiết bị vẫn hoạt động với mục tiêu ngăn ngừa hoặc giảm khả năng xảy ra hỏng hóc.
Thông thường, bảo trì phòng ngừa được thực hiện dựa trên thời gian, tức là hàng tuần, hàng tháng. Tuy nhiên, bảo trì phòng ngừa cũng có thể dựa trên việc sử dụng, ví dụ: sau 150 chu kỳ, sau 10.000 giờ sử dụng hay cứ sau 10km chạy, sau 10.000 lượt truy cập Website…
Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp không biết rằng bảo trì phòng ngừa còn được tiếp cận theo nhiều cách khác, chúng được chia thành các loại hình bảo trì nằm trong danh mục bảo trì phòng ngừa.
Tiếp theo sẽ khám phá chi tiết hơn từng loại bảo trì này, bao gồm cả thời điểm doanh nghiệp nên cân nhắc sử dụng chúng.
Bảo trì dựa trên thời gian (Time-based maintenance - TBM)
“Bảo trì dựa trên thời gian đề cập đến việc thay thế hoặc đổi mới một thiết bị để khôi phục độ tin cậy của nó vào một thời điểm, khoảng thời gian hoặc cách sử dụng cố định bất kể tình trạng của nó” – Đây là những gì Moubray gọi là các nhiệm vụ “Khôi phục theo lịch trình” hoặc “Hủy bỏ theo lịch trình” trong cuốn sách RCM II của mình .
Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, những cụm từ trên hạn chế được sử dụng, bởi lẽ nếu nhìn nhận ở một góc độ nào khác, doanh nghiệp sẽ có thể hiểu lầm rằng chỉ bảo trì theo thời gian mới được lên lịch, các loại hình bảo trì khác thì không. Trong khi thực tế thì hầu như các phương pháp bảo trì đều được lên kế hoạch thông qua lịch trình hàng tuần/tháng của doanh nghiệp. Ngoại lệ duy nhất sẽ là Bảo trì khẩn cấp, do bản chất đòi hỏi sự can thiệp ngay lập tức nên không thể lên lịch được.
Mục tiêu – Đánh giá TBM
Mục đích của Bảo trì Theo thời gian là để bảo vệ máy móc khỏi lỗi hỏng hóc của những loại bộ phận hao mòn theo tuổi tác (có thể đoán trước được). Cũng tức là phương pháp bảo trì này giả định rằng sẽ có lỗi hỏng hóc liên quan đến thời gian sử dụng, đồng thời dựa vào tuổi thọ đã được xác định để tiến hành lên lịch sửa chữa hợp lý.
Ưu điểm của loại hình bảo trì này là doanh nghiệp không cần phải tiến hành đánh giá tình trạng của từng loại thiết bị mà chỉ cần thay thế dựa trên thời gian sẽ tiết kiệm và tối ưu nguồn lực hơn.
Tuy nhiên, bảo trì dựa trên thời gian thường sẽ gây ra nhiều bất cập và không hiệu quả đối với những loại thiết bị có các chế độ hư hỏng không liên quan đến tuổi thọ. Mà theo nhiều nghiên cứu, những thiết bị hao mòn theo tuổi thọ chỉ chiếm chưa tới 30% các chế độ hỏng của máy móc, thiết bị doanh nghiệp.
Kinh nghiệm lựa chọn TBM
Trong nhiều lĩnh vực, các công ty phải hoàn thành một số nhiệm vụ nhất định để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ quy định và những công việc này thường được thực hiện trong một khoảng thời gian cố định, tức là Bảo trì dựa trên thời gian. Nhưng ngay cả với bảo trì liên quan đến việc tuân thủ, doanh nghiệp vẫn có cơ hội để quản lý và xem xét việc chuyển sang các loại hình bảo trì khác phù hợp hơn.
Một ví dụ cụ thể như: Thay vì kiểm tra nội bộ tàu cứ 4 năm 1 lần bất chấp tình trạng, doanh nghiệp đường sắt có thể ứng dụng phương pháp Kiểm tra dựa trên Rủi ro (RBI) – loại hình sẽ được đề cập ngay dưới đây – để giúp tàu hoạt động trơn tru và tối ưu hơn.
Bảo trì dựa trên rủi ro (Risk-Based Maintenance - RBM)
Bảo trì dựa trên rủi ro (RBM) là khi doanh nghiệp sử dụng phương pháp đánh giá rủi ro để điều chỉnh các nguồn lực bảo trì hạn chế của mình cho những thiết bị gây ra nhiều rủi ro nhất trong trường hợp thất bại (nhớ rằng Rủi ro = Khả năng x Hậu quả).
Do đó, thiết bị có rủi ro cao hơn và khả năng xảy ra hỏng hóc cao sẽ phải được bảo trì và kiểm tra thường xuyên hơn. Thiết bị rủi ro thấp có thể được bảo trì với tần suất thấp hơn và thậm chí là với phạm vi công việc nhỏ hơn nhiều.
Mục đích – Đánh giá RBM
Khi quy trình Bảo trì Dựa trên Rủi ro được thực hiện một cách hiệu quả, doanh nghiệp có thể giảm thiểu toàn bộ nguy cơ hỏng hóc trong toàn bộ nhà máy, phân xưởng của mình theo cách kinh tế nhất.
Bảo trì dựa trên rủi ro về cơ bản là bảo trì phòng ngừa, trong đó tần suất và phạm vi của các hoạt động bảo trì được tối ưu hóa liên tục dựa trên các phát hiện từ thử nghiệm hoặc kiểm tra và đánh giá rủi ro kỹ lưỡng. Ví dụ về Bảo trì Dựa trên Rủi ro sẽ là Kiểm tra Dựa trên Rủi ro khi áp dụng cho các thiết bị tĩnh như bình và đường ống hoặc thậm chí van giảm áp.
Bảo trì dựa trên lỗi tìm thấy (Failure Finding Maintenance - FFM)
Nhiệm vụ bảo trì nhằm phát hiện những lỗi tiềm ẩn thường liên quan đến các chức năng bảo vệ. Một số bộ phận đặc biệt cần đến phương pháp bảo trì này như: van an toàn áp suất, bộ truyền hành trình,…
Loại thiết bị này sẽ không bắt buộc phải hoạt động cho đến khi một bộ phận khác bị lỗi. Điều đó có nghĩa là trong điều kiện hoạt động bình thường, doanh nghiệp sẽ không biết liệu thiết bị này có còn hoạt động hay không, đồng nghĩa với việc các chế độ hỏng hóc đang bị ẩn đi. Và đó là lý do bạn cần bảo trì những thiết bị này trước khi các bộ phận khác xảy ra lỗi.
Kinh nghiệm lựa chọn FFM
Loại hình bảo trì dựa trên lỗi tìm thấy này được hoạt động dựa trên tiêu chí phát hiện lỗi, chứ không phải là ngăn chặn chúng. Sau khi phát hiện ra các lỗi đã bị ẩn đi, doanh nghiệp sẽ phải lên một kế hoạch tiếp theo để bảo dưỡng hay sửa chữa chúng. Phát hiện lỗi Bảo trì được tiến hành vào những khoảng thời gian cố định, thường xuất phát từ Hướng dẫn sử dụng hoặc phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro.
Bảo trì dựa trên điều kiện (Condition-Based Maintenance - CBM)
Như đã nói ở trên, hầu như các chế độ hỏng hóc thường không liên quan tới tuổi thọ. Tuy nhiên, nhiều chế độ lỗi đều đưa ra một loạt các cảnh cáo tới người sử dụng trước khi sự cố thực sự xảy ra. Giống như chuồn chuồn bay thấp cảnh báo trời sắp mưa, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tìm thấy các bằng chứng cho thấy một vài chế độ hỏng hóc đang có nguy cơ xảy ra. Lúc đó, doanh nghiệp có thể lên những kế hoạch để khắc phục hoặc ngăn chặn hoàn toàn những sự cố đó, tránh gây hậu quả.
Từ lý thuyết trên, loại hình Bảo trì dựa trên điều kiện được xây dựng như một chiến lược tìm kiếm các bằng chứng hoặc lời cảnh cáo của máy móc, thiết bị về những sự cố có khả năng sẽ xảy ra.
Kinh nghiệm lựa chọn CBM
Bảo trì dựa trên điều kiện thực tế không làm giảm khả năng xảy ra hỏng hóc thông qua quá trình tái tạo vòng đời, thay vào đó chiến lược này can thiệp trước khi sự cố xảy ra, giúp doanh nghiệp tiết kiệm hơn về nguồn lực cũng như giảm nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Nói cách khác: giám sát tình trạng không sửa chữa được máy móc hay dừng lại các hỏng hóc. Việc giám sát tình trạng chỉ cho phép doanh nghiệp tìm ra các vấn đề trước khi chúng trở thành lỗi.
Một nguyên tắc chung là khoảng thời gian giữa các nhiệm vụ CBM nên bằng một nửa hoặc một phần ba khoảng PF(*).
CBM hiệu quả hơn bao nhiêu để duy trì sự cố trên phụ thuộc vào khoảng thời gian PF là bao lâu. Nếu như có nhiều cảnh báo, việc sửa chữa có thể được lên kế hoạch, vật liệu và nguồn lực có thể được huy động và ngăn chặn sự cố (mặc dù sản xuất vẫn bị dừng trong thời gian bảo trì). Nếu như khoảng thời gian PF chỉ là một vài ngày thì gần như giá trị của CBM bị mất đi phần lớn.
(*) Giản đồ P-F (PF): giản đồ thể hiện khoảng thời gian từ khi hư hỏng được phát hiện đến khi hư hỏng thực sự xảy ra
Để chiến lược CBM đạt được hiệu quả, việc kiểm tra và can thiệp sớm là điều cực kỳ quan trọng. Và điều này đòi hỏi một quy trình thu thập, phân tích dữ liệu cũng như kế hoạch can thiệp chi tiết và thường xuyên theo đặc điểm của máy móc, thiết bị từng doanh nghiệp.
Bảo trì dự đoán (Predictive Maintenance - PDM)
Bảo trì dự đoán dạo gần đây mới bắt đầu được nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và nói về. Về cơ bản, Bảo trì dự đoán được coi là một cấp cao hơn của Bảo trì dựa trên điều kiện. Tuy nhiên, nếu xét kỹ, Bảo trì dự đoán – Với sự hỗ trợ của Trí tuệ nhân tạo, cảm biến thiết bị (IoT) và khả năng giảm thiểu chi phí của công nghệ và học máy – rõ ràng sẽ có những sự khác biệt lớn đối với Bảo trì dựa trên điều kiện.
Bảo trì dự đoán sẽ sử dụng nhiều thông số quy trình có khả năng thu được từ các cảm biến trực tuyến để xác định thiết bị, máy móc có đang hoạt động ổn định hay đang có nguy cơ xảy ra lỗi.
Có rất nhiều tập đoàn lớn đang tích cực chuyển sang loại hình bảo trì này và chắc chắn trong tương lai gần, đây sẽ là một phần quan trọng trong hoạt động bảo trì tổng thể của doanh nghiệp.
Vậy Bảo trì phòng ngừa với Bảo trì theo kế hoạch có phải là một hay không?
Có một thuật ngữ mà đội ngũ kỹ thuật rất quen thuộc là Bảo trì theo kế hoạch. Nếu như xét về định nghĩa, ta có thể nhầm lẫn về hai loại hình khái niệm này. Tuy nhiên, nếu như đứng về phương diện thực hành, chúng sẽ có những điểm khác biệt rõ ràng. Bảo trì dựa trên kế hoạch đề cập đến quá trình lập kế hoạch và lịch bảo trì, chuẩn bị công việc sẵn sàng để thực hiện. Trong khi đó, bảo trì phòng ngừa là loại bảo trì đã được xác định để ngăn chặn hoặc để giảm thiểu chế độ hỏng hóc.
Có thể nói tất cả các loại hình bảo trì phòng ngừa đều phải là bảo trì có kế hoạch vì chúng yêu cầu sự xác định và lên lịch trình từ trước, không có lý do gì để kế hoạch không được thực hiện theo quy trình.
Bảo trì khắc phục/sửa chữa (Corrective Maintenance - CM)
Bảo trì khắc phục, hay còn gọi là chiến lược Run-To-Fail (Chạy đến thất bại), được sử dụng để khôi phục chức năng của một thiết bị, bộ phận sau khi chúng xảy ra hỏng hóc hay sự cố. Phương pháp bảo trì này ứng dụng khi sự cố này có thể chấp nhận được trong doanh nghiệp (tức là không gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất), đồng thời việc ngăn ngừa sự cố trước đó có thể gây tốn kém và không khả thi hơn là thay thế/sửa chữa.
Ngoài việc bảo trì khắc phục là kết quả của chiến lược “hỏng đâu sửa đấy” có chủ ý thì đây cũng là kết quả của những sự cố ngoài kế hoạch không tránh được thông qua Bảo trì phòng ngừa.
Kinh nghiệm lựa chọn CM
Khi một doanh nghiệp ứng dụng phương pháp bảo trì khắc phục, hãy đảm bảo rằng các chế độ lỗi được xem xét không có khả năng trở thành Bảo trì khẩn cấp (loại hình sẽ được đề cập phía dưới bài viết). Nếu như áp dụng chiến lược Run-to-Fail này với một loại thiết bị mà khi chúng bị lỗi lại cần phải đầu tư nguồn lực khôi phục ngay lập tức để tránh gây hậu quả thì thực sự quá tốn kém và nhiều rủi ro.
Vì vậy, mặc dù chiến lược này có thể là một lựa chọn tốt, nhưng hãy đảm bảo rằng doanh nghiệp đang quyết định một cách khôn ngoan.
Trong biểu đồ các loại bảo trì, bài viết đã chia Bảo trì khắc phục thành hai loại hình:
- Bảo trì sửa chữa có thể hoãn lại
- Bảo trì khẩn cấp (EM)
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Bảo trì khẩn cấp thường đắt gấp 3 đến 5 lần so với chiến lược bảo trì phòng ngừa thông thường. Bởi lẽ, Bảo trì khẩn cấp thường dẫn đến việc ngừng hoạt động thiết bị lâu hơn, ảnh hưởng đến sản xuất nhiều hơn và kém an toàn hơn. Thế nhưng với nhiều đặc điểm của từng lĩnh vực doanh nghiệp hoặc cơ chế hoạt động thiết bị, phương pháp bảo trì này vẫn đang được tối ưu và ứng dụng. Chính vì thế, khái niệm này vẫn tiếp tục được đưa ra cho các doanh nghiệp đang muốn tìm hiểu về bảo trì tài sản hiện nay.
Bảo trì khẩn cấp (Emergency Maintenance - EM)
Bảo trì khẩn cấp là dạng bảo trì sửa chữa gần như ngay lập tức, chúng làm đảo lộn các kế hoạch cũng như lịch trình định kỳ của doanh nghiệp. Chính vì thế, nếu như ứng dụng phương pháp bảo trì này, hãy chắc rằng doanh nghiệp sở hữu ít nhất một nhân viên, hoặc một đội ngũ, làm việc không ngừng nghỉ và luôn sẵn sàng tham gia kiểm tra sửa chữa bất kỳ lúc nào để sản xuất vận hành được trôi chảy. Nếu không, đây sẽ là phương pháp bảo trì mà doanh nghiệp nên hạn chế tối đa áp dụng lên nhiều thiết bị. Trên thực tế, các tổ chức World Class đảm bảo rằng ít hơn 2% tổng số bảo trì của họ là Bảo trì khẩn cấp.
Vậy còn loại hình Bảo trì sự cố thì sao?
Trong tất cả 9 loại bảo trì đã phân tích ở trên, chúng ta vẫn chưa thấy có sự xuất hiện của khái niệm: “Bảo trì sự cố”. Trong khi đó, đây cũng là một loại hình bảo trì được nhiều người nhắc tới.
Tuy nhiên, Bảo trì sự cố thực chất chỉ là Bảo dưỡng, sửa chữa và không được phân loại thành một hạng mục Bảo trì. Khi bạn gặp lỗi, bạn có thể lên kế hoạch sửa chữa và khắc phục chúng theo tuỳ đặc điểm, có thể khẩn cấp hoặc không quá quan trọng. Vì thế nhiều người gọi Bảo trì sự cố chính là Bảo trì khẩn cấp hoặc Bảo trì khắc phục.
Như bài viết đã đề cập ở phần đầu, các loại tên và định nghĩa không quá quan trọng, bạn có thể gọi bất kỳ loại hình nào bằng cái tên nào quen thuộc với bạn, miễn sao chúng ta đang cùng nhắc đến một giải pháp chung.
Vậy còn Bảo trì tự động?
Một định nghĩa khác cũng khá quen thuộc với nhiều doanh nghiệp là: Bảo trì tự động. Trong 9 loại hình bảo trì trên không có sự xuất hiện của khái niệm này. Bảo trì tự động hoặc Chăm sóc tự động (còn được gọi là Bảo dưỡng Tuyến trước) là các hoạt động CLAIR (Làm sạch, Bôi trơn, Điều chỉnh, Kiểm tra và Sửa chữa) được thực hiện trong khuôn khổ Autonomous Care. Về cơ bản đây là sự kết hợp của các chiến lược trên, nhưng được nhân viên tuyến đầu tiến hành với tần suất cao hơn.
Loại hình bảo trì nào tốn kém nhất?
Đây là một trong những câu hỏi mà doanh nghiệp thường xuyên băn khoăn. Trước hết, loại bảo trì tốn kém nhất là Bảo trì khẩn cấp. Bởi lẽ, một phương pháp mà không được lên lịch, không dự trù chi phí và không lường trước được thời gian, mức độ luôn luôn tốn kém và nhiều rủi ro hơn so với những phương pháp bảo trì được chuẩn bị sẵn sàng.
Hơn thế nữa, khi thực hiện Bảo trì khẩn cấp, doanh nghiệp thường có hiệu suất rất thấp với thời gian, tốn thêm thời gian tìm kiếm nguyên liệu, tổ chức truy cập thiết bị, chờ các giao dịch khác,….Một vấn đề phổ biến khác với Bảo trì khẩn cấp là các bộ phận và dịch vụ thường được xúc tiến để đến nơi nhanh hơn và chi phí gia tăng được phát sinh để thực hiện điều đó.
Bài viết trên đây đã kết thúc 2 phần: Phân loại chi tiết về 9 loại hình bảo trì cụ thể hiện nay. Qua đây, doanh nghiệp có thể nắm được rõ nét hơn về mô hình bảo trì, tạo tiền đề xây dựng kế hoạch bảo trì tổng thể cho hoạt động sản xuất đạt được hiệu suất cao nhất. Vậy liệu doanh nghiệp có tự hỏi rằng: Đâu sẽ là bảo trì tốt nhất, xếp hạng như thế nào cho hiệu quả. Cùng tìm hiểu câu trả lời này trong bài viết: Xếp hạng 3 phương án bảo trì ngay!
Via Phần Mềm Quản Lý Bảo Trì (speedmaint)