Truyện Thầy bói xem voi có năm nhân vật chính là năm thầy bói - năm người bị mù. Cả năm người đều chưa biết một tí gì về con voi và cũng đều muốn biết về con voi. Ý muốn ấy là tốt. Nhưng mọi sự đáng nói bắt đầu từ cách các thầy thực hiện ý muốn. Cả năm thầy bói đều cố thực hiện ý muốn theo cách của mình: dùng tay để sờ voi (chỉ có thể dùng tay để “nhận thức” vì các thầy đều mù mỗi thầy lại chỉ sờ một bộ phận của con voi mà thôi (vòi, ngà, tai, chân, đuôi). Thế rồi căn cứ vào “kinh nghiệm xúc giác” riêng lẻ về từng phần con voi đó, khi ngồi trao đổi với nhau, từng thầy phán hình thù toàn bộ con voi là như thế.
Thầy bói xem voi là câu chuyện dân gian Việt Nam thuộc thể loại ngụ ngôn châm biếm ở Việt Nam và trở thành câu thành ngữ tương tự. Nguồn gốc của câu chuyện này từ những câu chuyện ngụ ngôn về Con voi và những kẻ mù (Blind men and an elephant) bắt nguồn từ tiểu lục địa Ấn Độ cổ đại, từ đó nó đã được truyền bá rộng rãi. Đó là câu chuyện về một nhóm người mù chưa từng gặp voi bao giờ và họ đã tìm hiểu và hình dung ra con voi bằng cách chạm vào nó. Mỗi người mù cảm nhận thấy một bộ phận khác nhau của cơ thể voi, nhưng chỉ một bộ phận riêng lẻ. Sau đó, họ mô tả con voi dựa trên kinh nghiệm hạn hẹp của họ và mô tả của họ về con voi khác nhau. Trong một số phiên bản, họ nghi ngờ rằng người kia không trung thực và họ ra tay đánh nhau.
Cách “nhận thức” con voi thì như vậy. Cách phán đoán về toàn bộ con voi của các thầy cũng đều “thúivị” đáng nói. Thầy nào cũng dùng lối phủ định ý kiến người khác để khăng khăng khẳng định ý kiến của mình là đúng: “Không phải...” , “Đâu có...” , “Ai bảo...”, “Các thầy nói không đúng cả. Chính nó…”.
Bức tranh vẽ tường thầy bói xem voi ở Thái Lan
Đó thật là một sự phủ định người khác rất hàm hồ và còn là một sự tự khẳng định mình cũng hàm hồ không kém. Cả hai sự hàm hồ ấy đều là hai mặt biểu hiện của một thái độ chủ quan sai lầm. Tuy nội dung ý kiến khác nhau, nhưng tất cả năm thầy bói đều chung một sai lầm: sai lầm trong cách xem voi. Đó là cách xem voi - cách nhận thức thế giới hết sức phiến diện: tưởng cái bộ phận là cái toàn thể. Truyện không chế giễu sự khiếm khuyết thể chất mà chế giễu sự khiếm khuyết về nhận thức.
Sơ đồ tư duy (mind-map) cho câu chuyện thầy bói xem voi
Ý nghĩa truyện thầy bói xem voi
Nghĩa đen: nghĩa hẹp của truyện chỉ phê phán cách xem voi phiến diện của năm thầy bói và phê phán thái độ chủ quan của các thầy khi rút ra nhận thức về toàn bộ con voi từ sự chỉ biết một bộ phận con voi.
Nghĩa bóng: thông qua cái nghĩa đen - nghĩa hẹp ấy, truyện còn nhắn gửi cho người nghe một bài học triết lí sâu sắc: cần tránh thái độ chủ quan, phiến diện trong việc tìm hiểu thế giới xung quanh; muốn hiểu đúng bản chất các hiện tượng cần phải xem xét toàn diện.
Muốn hiểu đúng bản chất các hiện tượng cần phải xem xét toàn diện.
Do ý nghĩa khái quát của cái nghĩa bóng - nghĩa rộng ấy mà từ truyện này đã ra đời câu thành ngữ phổ biến trong dân gian: “Thầy bói xem voi”. Truyện có yếu tố gây cười nhưng không phải truyện cười mà chỉ là một truyện ngụ ngôn có sử dụng tiếng cười như một trong những biện pháp nghệ thuật.
Câu chuyện ngụ ngôn châm biếm con người có xu hướng khẳng định sự thật tuyệt đối dựa trên kinh nghiệm chủ quan và hạn chế của họ khi họ phớt lờ những kinh nghiệm chủ quan của người khác mà có thể đúng như nhau trong từng phần riêng lẻ. Do đó, khi xem xét bất cứ điều gì cũng cần phải có cái nhìn bao quát, toàn diện để đánh giá được đúng đối tượng, sự việc. Truyện cũng nhắc nhở rằng khi xem xét sự vật, hiện tượng thì phải nhìn nhận tổng quan, biện chứng, cái nhìn đa diện, nhiều chiều tránh cái nhìn phiến diện, một chiều dẫn đến nhận thức sai lầm, thiên lệch. Trong câu chuyện này, phiên bản Việt Nam tập trung châm biếm những ông thầy bói nói mò, vốn đại diện cho thói mê tín dị đoan trong tập tục, lề thói của người Việt.
Nguồn: truyencotich.fun