Không giống với các hình thức vận tải thông thường, từng nhà cung cấp tự chuẩn bị xe hàng giao đến cho khách hàng, các xe chở hàng sẽ di chuyển theo lộ trình đã quy định qua nhiều nhà cung cấp, thu gom hàng hóa và cuối cùng trở về điểm xuất phát đầu tiên để giao hàng. Milk run hoạt động dựa trên hệ thống sản xuất kéo, với mục đích làm giảm lượng hàng tồn kho, giảm chi phí vận tải và làm cho việc cung cấp nguyên liệu trở nên dễ dàng hơn.
Để dễ hiểu hơn, chúng ta hãy cùng xem 2 hình ảnh minh họa dưới đây:
Việc bố trí xe tải milk run thường sẽ do người đặt hàng đưa ra. Ban đầu xe tải bắt đầu khởi hành tại nhà máy đặt hàng, sau khi thu gom thùng trống và khay đựng, xe tải sẽ di chuyển đến từng nhà máy cung ứng theo lịch trình định trước để trả thùng trống và lấy hàng. Cuối cùng, xe sẽ trở về với đầy hàng hóa và giao tại nhà máy đặt hàng.
Lịch trình của xe milk run sẽ phải tuân thủ thời gian khởi hành, kết thúc cực kỳ nghiêm ngặt. Ví dụ: mỗi xe chỉ có thời gian 5 phút để trả thùng trống và 5 phút để lấy hàng. Nếu do trục trặc trên đường hoặc tại nhà máy cung ứng, toàn bộ lịch trình sẽ bị đẩy lùi và gây trục trặc cho chuỗi cung ứng. Hãy xem một ví dụ cụ thể như sau: xe nâng hàng tại nhà máy cung ứng thứ nhất bị hỏng, dẫn đến việc đưa hàng lên xe muộn mất 10 phút, xe tới được nhà máy thứ hai muộn nên trùng vào giờ nghỉ trưa, không có ai nhận thùng trống và nâng hàng, xe lại phải chờ thêm 30’. Cuối cùng xe trở về muộn hơn một tiếng đồng hồ. Nếu tồn kho ở khách hàng không đủ, dây chuyền sản xuất có thể bị dừng.
Vì sao là Milk run?
Milk run, theo đúng tên gọi của nó, là một từ dùng để mô tả một người giao sữa cho các hộ gia đình khác nhau dọc theo một tuyến đường. Vậy vì sao không phải là Goods run hay Newspaper run (Giao hàng hay giao báo)? Đó là vì hình thức giao hàng này khác biệt đáng kể so với hàng hóa khác.
Sữa tươi là sản phẩm nhanh hỏng với thời hạn sử dụng ngắn. Rất khó để có một kho dự trữ sữa, và sữa phải được tiêu thụ nhanh chóng trước khi nó bị hỏng.
Vì vậy, những người giao sữa đã sử dụng một cách làm đơn giản để tránh cho sữa bị hỏng do khách hàng không dùng hết. Trên tuyến đường của mình, họ chỉ thay thế các bình sữa rỗng bằng các bình sữa đầy. Nếu khách hàng đưa một chai rỗng ra cho người bán sữa vào buổi sáng, anh ta sẽ nhận được một chai đầy. Nếu khách hàng đưa ra hai chai rỗng, anh ta sẽ nhận lại hai chai đầy và cứ tiếp tục như vậy. Do đó, chiếc chai rỗng này không chỉ là để tái sử dụng và tái chế mà còn là một tín hiệu để bổ sung lượng sữa đã tiêu thụ. Trong sản xuất tinh gọn, bình sữa này được sử dụng tương tự như Kanban.
Thông qua cách làm đơn giản này, người giao sữa sẽ ổn định nguồn cung sữa cho hộ gia đình. Tất nhiên, mọi thứ vẫn có thể xảy ra sai sót, và sữa có thể bị hỏng nếu khách hàng đi vắng, hoặc khách hàng có thể hết sữa nếu họ cần nhiều hơn mức trung bình. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, nguồn sữa được cung cấp với đúng số lượng và vào đúng thời điểm.
Ở ví dụ nêu trên, khi xe tải đi theo một tuyến đường nhất định có nhiều điểm dừng, cách giao hàng và lấy hàng cũng tương tự như người giao sữa, họ trả lại thùng không và lấy hàng hóa mang đi giao.
Lợi ích của Milk Run
Thứ nhất là tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Như chúng ta có thể nhìn thấy ở hình số 1 phía trên, việc mỗi nhà máy bố trí một xe tải đến giao hàng sẽ khiến chi phí vận tải gia tăng. Ngoài ra, một nhà cung ứng có thể không sử dụng hết công suất xe tải do số lượng hàng ít, tần suất giao hàng thấp. Việc kết hợp lấy hàng từ nhiều nhà cung cấp một lần sẽ khiến chi phí vận chuyển giảm đi đáng kể, chi phí giá vốn hàng bán giảm xuống. Nhà sản xuất có thể giảm giá cho khách hàng nhờ cắt giảm được chi phí này mà vẫn có lợi nhuận.
Thứ hai là tiêu chuẩn hóa cho công việc mang tính ngẫu nhiên.
Để thực hiện phương thức vận tải milk run, người làm kế hoạch sản xuất phải điều chỉnh tồn kho và kế hoạch sản xuất sao cho mức tồn kho của nhiều nhà cung ứng trở nên đồng đều. Sau đó, họ sẽ đặt hàng và bố trí xe tải lấy hàng trên cùng một tuyến đường vào cùng một thời gian. Lịch trình lấy hàng tuân theo một tiêu chuẩn đơn giản hợp lý, lặp đi lặp lại gần như giống hệt nhau. Đây là một cải tiến lớn so với các yêu cầu ngẫu nhiên về nguyên liệu vẫn thường gặp ở nhiều nhà máy.
Vì đây là một tiêu chuẩn lặp đi lặp lại, nhân lực được sử dụng sẽ hiệu quả hơn. Trọng tải xe được bố trí vừa đủ khối lượng hàng, lái xe không phải chờ đợi lâu, dẫn tới việc giảm thiểu đáng kể lãng phí thời gian của lái xe và không gian trên xe.
Thứ ba là giảm tồn kho.
Milk run một phần của quá trình sản xuất kéo. Sản xuất kéo sẽ giúp nhà cung cấp nhận được tín hiệu từ khách hàng. Nếu sản lượng sản xuất tăng cao, xe tải sẽ bố trí lấy nhiều hàng hơn và ngược lại. Nhà cung cấp có thể dựa vào kế hoạch giao hàng để lên kế hoạch sản xuất, không để thừa quá nhiều hàng tồn kho.
Lượng hàng tồn kho giảm này dẫn đến việc giảm không gian sử dụng xung quanh dây chuyền sản xuất.
Lợi ích thứ tư là vì hệ thống sản xuất kéo ít nhiều mang tính tự động, nên ít có khả năng xảy ra lỗi do con người (hoặc máy tính). Trong một hệ thống đúng thì bạn ít có khả năng làm ra lỗi hơn.
Hạn chế của Milk run.
Milk run có một hạn chế lớn là chỉ áp dụng được đối với các sản phẩm hàng loạt, tương tự nhau, và có thể cùng là bộ phận trong một sản phẩm nào đó. Như vậy, khi sản xuất, các mặt hàng này có thể căn chỉnh tồn kho nguyên liệu của các nhà cung cấp ở mức đồng đều. Nếu nhà máy cần nhiều mặt hàng phải gia công với đặc tính riêng biệt, thời gian gia công khác nhau, Milk run có thể không phù hợp.
Nguồn: manufacturingway