Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển bậc nhất trên thế giới nhưng quá trình chuyển đổi số của đất nước này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vậy nguyên nhân là ở đâu?
Khi ông lớn... tụt hậu
Trong những năm gần đây, Nhật Bản dường như có phần "hụt hơi" khi cạnh tranh về lợi thế công nghệ so với Hàn Quốc, Trung Quốc..., trong đó có chuyển đổi số. Các doanh nghiệp Nhật có tâm lý ngại thay đổi (thay đổi về định hướng thị trường, về dây chuyền sản xuất...) vì không dám đi một nước cờ rủi ro đánh đổi về thành tựu trong quá khứ.
Cuối năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền, với chính sách Abenomic bao gồm việc đẩy mạnh chuyển đổi số và giảm thiểu các thủ tục hành chính, mà nổi bật là mã số cá nhân: "My Number" ra đời để tạo tiền đề cho các bước chuyển động tiếp theo, nhưng vẫn phần nào muộn màng. Nhật đã bỏ lỡ “cuộc cách mạng smartphone” để Hàn Quốc và Trung Quốc vượt mặt, đặc biệt trong lĩnh vực Dữ liệu lớn (Big data) và trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghiệp xe hơi của Nhật cũng mất dần thị phần vào các ông lớn Hàn Quốc vì các hãng xe Hàn tích cực ứng dụng công nghệ và phần mềm vào các tiện ích xe.
Giới lãnh đạo Nhật Bản cũng đã nhận ra điều này, và đang cuống cuồng cải cách để tránh bị tụt hậu lại phía sau. Thanh toán bằng QR code đã quá phổ biến ở Trung Quốc 4-5 năm nay thì ở Nhật mới chỉ manh nha trong 2 năm trở lại đây với tỉ lệ người dùng còn hạn chế và hiện nay mới đang trong giai đoạn tăng tốc.
Đã có nhiều bài học từ sụp đổ của các tập đoàn Nhật Bản, có thể kể đến sự sụp đổ của Toshiba, hậu quá là Toshiba phải bán mình cho các doanh nghiệp khác.
Sụp đổ của Toshiba sau 140 năm tồn tại
Nhật Bản bị tụt hậu trong quá trình chuyển đổi số trong nhiều thập kỷ qua. Số liệu nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Forrester (Mỹ) cho thấy, 39% số công ty tại Nhật Bản đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số., 1/4 số doanh nghiệp của Nhật Bản đã ngừng thực hiện chuyển đổi số, trong khi 9% hoàn toàn không áp dụng chuyển đổi số. Con số này cao hơn so với các quốc gia khác, như Malaysia chỉ có 2% số doanh nghiệp không áp dụng chuyển đổi số và Indonesia chỉ có 1% số doanh nghiệp không áp dụng chuyển đổi số.
Nhiều công nghệ cũ vẫn được Nhật Bản sử dụng
Giáo sư Parissa Haghirian của Đại học Sophia, Tokyo cho biết, hầu hết các văn phòng ở Nhật Bản vẫn đang sử dụng máy fax để phục vụ cho trao đổi công việc. Một truyền thống khác vẫn được sử dụng rộng rãi đó là con dấu cá nhân hanko. Khác với Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới - chỉ có công ty (pháp nhân) mới sử dụng con dấu, ở Nhật Bản mỗi người (cá nhân) đều sử dụng con dấu hanko thay cho chữ ký cá nhân. Theo đó, trước COVID-19, hầu hết mọi tài liệu đều phải được đóng dấu thay vì ký tên.
Dấu “hanko” đã được sử dụng ở Nhật Bản trong gần 2.000 năm qua.
Những người Việt từng công tác lâu dài ở Nhật và các lưu học sinh đều đồng tình rằng người Nhật vẫn trung thành với thao tác trên Excel hơn là sử dụng phần mềm. Ngoài ra hạ tầng CNTT ít có sự thay đổi, rất nhiều máy tính cũ vẫn đang được sử dụng ở nhiều cơ quan.
Ở Nhật Bản, ngân hàng trực tuyến được giới thiệu muộn hơn gần một thập kỷ so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt đến nay nhiều ngân hàng vẫn chưa có ứng dụng này. Hầu hết công dân Nhật Bản vẫn đang sử dụng sổ ngân hàng nhỏ thay vì ứng dụng ngân hàng trực tuyến như các nước tiên tiến khác trên thế giới.
Theo Giáo sư Parissa Haghirian, một số nguyên nhân khiến sự thay đổi diễn ra quá chậm ở Nhật Bản như người lao động ở đây không thay đổi công việc thường xuyên và đa số trung thành với công ty cho đến khi về hưu. Họ sẽ không tìm thấy nhiều thay đổi trong quy trình nội bộ dựa trên kinh nghiệm từ công ty trước đây, vì vậy mọi thứ vẫn diễn ra như cũ. Các nhân viên làm lâu một công ty giống như những chú ếch dưới đáy giếng sẽ không biết có sự thay đổi mạnh mẽ ở bên ngoài, hệ quả là nhiều quyết định đưa ra không dựa vào số liệu dự báo mà dựa vào số liệu trong quá khứ. Bên cạnh đó, nguồn lực về chuyên gia CNTT cũng bị hạn chế, dẫn đến các doanh nghiệp rất khó để phát triển các nền tảng số mới dựa trên CNTT.
Cho đến vấn đề muôn thủa: Dân số già
Một vấn đề mấu chốt đó là Nhật Bản đang vật lộn với sự già hoá dân số ngày càng tăng. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2021 Nhật Bản có 36,21 triệu người trên 65 tuổi, chiếm 28,9% dân số. Trong khi đó, con số năm 2020 là 28,6% cao hơn nhiều so với Mỹ (16,6%), Thụy Điển (20,3%), Pháp (20,8%) hay Đức (21,7%). Số người này vẫn trung thành với các công nghệ truyền thống tồn tại từ nhiều thập kỷ qua. Do đó, giới quan sát cho rằng, việc từ bỏ các công nghệ truyền thống này sẽ phải mất nhiều năm ở Nhật Bản.
Giáo sư Haghirian cho biết thêm, những người có quyền quyết định trong các cơ quan, doanh nghiệp thường là những người già nên rất khó chấp nhận sự thay đổi. Ngoài ra, nhiều khách hàng cũng là người lớn tuổi nên họ không cảm thấy thoải mái khi sử dụng các hệ thống hoặc ứng dụng công nghệ mới. Mặt khác, họ lại có thời gian để đi đến các văn phòng và ngân hàng trong thành phố để làm thủ tục trực tiếp thay vì phải phụ thuộc vào các dịch vụ trực tuyến.
Giáo sư Haghirian đưa ra nhận định rằng, chính phủ Nhật Bản sẽ khó từ bỏ việc sử dụng các công nghệ lỗi thời. Việc chính phủ có chuyển đổi số thành công các dịch vụ công hay không, cần một chiến lược dài hạn tổng thể cho cả nước, được quản lý và triển khai bởi các chuyên gia CNTT.
Chuyển đổi số... nửa vời
Đến nay Nhật Bản vẫn chỉ là một đất nước được tự động hoá và tận dụng tối đa máy móc, chưa hẳn là một “xã hội số”, hoặc có thể chỉ là một dạng xã hội đã được chuyển đổi số một cách nửa vời. Bằng chứng là rất nhiều dấu tích của những công việc mà lẽ ra có thể nên được số hoá và quản lý một cách quy củ hơn, từ đó nâng cao hiệu suất công việc cao hơn, vẫn được làm bằng tay, bởi các ông già bà lão mắt đã kèm nhèm, di ngón tay trên từng dòng chữ để dò từng dòng thông tin khách hàng. Đặc biệt là trong những công việc quản lý hành chính, bất động sản, ngân hàng, thuế, giáo dục...
Ở Nhật, để mua được một căn nhà cần ít nhất là hơn 20 loại giấy tờ, tờ khai, nhập quốc tịch (cũng hơn 20 loại), gửi con đi trẻ (hơn 10 loại), mua xe (hơn 15 loại), rồi đẻ con thôi cũng lại cả một đống giấy tờ nữa...
Xã hội Nhật vô tình tạo ra nhiều việc làm cho giới luật sư, mà công việc của họ thực chất cũng như các "cò" giấy tờ ở Việt Nam. Hầu hết khi phải đụng đến mấy thủ tục này, người ta thường dùng đến luật sư với khoản chi phí không hề nhỏ. Người Nhật phải xử lý nhiều giấy tờ tới nỗi, mỗi cuối năm lại phải dành hẳn 1 ngày để ngồi kiểm tra lại chồng giấy tờ, xem giấy tờ nào phải giữ lại, và giấy tờ nào có thể vứt đi được.
Sẽ rất khó hiểu hình dung về một xã hội hiện đại như Nhật Bản, tại sao họ không thể số hoá các dữ liệu về quản lý hành chính này, để giảm bớt thủ tục nhiêu khê cho người dân và khách hàng? Cá nhân mỗi người chỉ cần một cái ID là đủ. Từ cái ID đó có thể truy xuất tới tất cả các thông tin mà “ông nhà đất” cần, “ông ngân hàng” cần, và “ông quan chức” ở địa bàn cũng cần? Tuy nhiên rất ít ai biết được rằng Nhật Bản bị một rào cản rất lớn đó là vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, quyền thông tin cá nhân (Kojin Jouhou). Chính đây là rào cản lớn nhất khiến cho việc triển khai “một ID duy nhất” trở thành nhiệm vụ cực kỳ cấp bách nhưng cũng cực kỳ khó khăn.
個人情報(Kojin Jouhou) là cụm từ vô cùng phổ biến và nhạy cảm với mỗi người Nhật. Họ tên, sinh nhật, địa chỉ… tuy chúng đều là những thông tin dễ dàng điền vào thủ tục khi được yêu cầu. Tuy nhiên, trừ khi tất cả được cơ quan chức năng mật và lưu giữ cẩn thận thì người Nhật sẽ không dễ dàng đưa ra.
Mỗi người, bây giờ ngoài những thông tin, tài sản bằng hiện vật, họ còn có tài sản khổng lồ, chính là dữ liệu họ tạo ra và lưu trữ đâu đó trên mạng internet. Khối dữ liệu này vô cùng lớn, tương tự như mở dầu vậy, chứa đựng đầy đủ những gì mà hầu hết các doanh nghiệp đều muốn biết về: Đặc tính, hành vi của khách hàng mình, độ tuổi nào họ thích đi giầy màu trắng, thời điểm nào họ thích đi du lịch Okinawa... 5 năm trở lại đây, smartphone đã trở nên phổ biến, càng làm tăng thêm nhu cầu khai thác tài nguyên dữ liệu số của xã hội.
Thì thực nhu cầu chuyển đổi số đã diễn ra thầm lặng, nó đã diễn ra bằng các này hay cách khác, do tự phát, nhu cầu thực tiễn, hoặc có thể do một sự thúc đẩy nào đó từ phía chính phủ hoặc một “big tech” nào đó. Và lúc này khi người Nhật nói về chuyển đổi số, thực chất là họ đang nói về cách để bắt kịp với nó, để không bị lỡ nhịp một lần nữa như những năm 2010, và cũng như những gì đang diễn ra ở Nhật Bản, mọi thứ đang rất gấp rút, khi thời đại số đang lướt qua những nơi chậm thay đổi như một thử thách vô cùng lớn đối với cả quốc gia.
Thiếu hụt lực lượng CNTT vận hành nền kinh tế số
Lượng việc và nhu cầu phát triển IT ở Nhật đang gia tăng chóng mặt khiến cho sự thiếu hụt nhân lực IT tại nhật ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Cả mặt bằng lương cho kỹ sư IT tại Nhật có vẻ như đã tăng tới gần gấp đôi trong 5 năm trở lại đây. Ngay cả đơn giá gia công cho các đơn hàng IT Nhật tại Việt Nam cũng đã tăng từ khoảng 20 vạn yên vào cuối năm 2012 lên tới tối thiểu 35 vạn yên hiện nay.
Loại bỏ công nghệ cũ để tiến vào kỷ nguyên số
Nhà nghiên cứu cấp cao Jun Mukoyama tại Tổ chức Sáng kiến Châu Á - Thái Bình Dương đồng ý rằng, truyền thống gia trưởng ở Nhật Bản là một trở ngại lớn khiến việc loại bỏ công nghệ lạc hậu trở nên khó khăn hơn. Các tiêu chuẩn được thiết lập bởi những người tham gia cấp cao nhất trong một tổ chức, những người thích cách tiếp cận cũ và bản chất không thích rủi ro và không thể sai lầm của các quan chức chính phủ cũng làm chậm quá trình thay đổi.
Chấp nhận "bình thường mới" sau đại dịch Covid-19
Việc chính phủ Nhật Bản không sử dụng công nghệ kỹ thuật số để đối phó với đại dịch COVID-19 trong thời gian qua đã bị nhiều sự chỉ trích ở Nhật Bản. Điều này đã làm cho chính phủ Nhật Bản phải mất nhiều tháng để chuyển các khoản trợ cấp tiền mặt cho người dân và chính phủ không thể nắm bắt dữ liệu bệnh nhân theo thời gian thực vì các bệnh viện và trung tâm y tế vẫn sử dụng điện thoại và máy fax để liên lạc. Điều này rất khác so với trải nghiệm ở các quốc gia khác trên thế giới, nơi quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong thời gian diễn ra đại dịch.
Năm 2021, chính phủ Nhật Bản đã tập trung vào việc đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi số trong chính phủ. Ví dụ trong năm qua, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện dọn dẹp dữ liệu bị phân mảnh hoặc không được chuẩn hóa để tạo các cơ sở dữ liệu chính xác, thống nhất và đáng tin cậy.
Đại dịch Covid-19 một lần nữa buộc người Nhật không còn cách nào khác phải chuyển đổi số sớm hơn nữa. Covid-19 như một cú thúc mạnh vào tất cả các doanh nghiệp Nhật còn đang chần chừ với chuyển đổi số, định hình lại hoàn toàn cách thức sống còn của một doanh nghiệp. Và cũng mở ra nhiều cơ hội cho những startup liên quan tới chuyển đổi số.
Tổng hợp từ Internet