20 quy tắc trong quản lý theo Richard Templar (phần 1)
Richard Templar là bút danh của một tác giả người Anh, ông chuyên viết những cuốn sách về phát triển bản thân. Trong đó có đề cập tới 100 quy tắc đơn giản để dẫn đến thành công ở nhiều lĩnh vực như Quy tắc quản lý, quy tắc cân bằng cuộc sống và công việc, quy tắc của sự giàu có, quy tắc của tình yêu, quy tắc của tư duy, quy tắc nuôi dạy con cái,…

Với nhiều năm kinh nghiệm trong vai trò quản lý ở các sòng bạc cho đến trường đại học đã giúp Richard có óc quan sát tinh tường về những hành động, hành vi tâm lý của con người trong thời hiện đại. Qua đó ông nhìn thấy sự khác biệt rõ rệt giữa những người luôn nỗ lực hết mình để đạt được thành công và những người không cố gắng hết mình, buông mặc theo số phận.

Kết hợp khiếu quan sát tỉ mỉ cùng với kinh nghiệm thực tiễn từ cuộc sống thành công của mình, Richard Templar đã đúc rút thành những bộ Quy tắc rất đặc biệt được trình bày hết sức ngắn gọn, đề cập ngay đến vấn đề bạn đang cần tìm hiểu. 


Tất cả chúng ta đều phải làm việc với người khác. Hình thức hợp tác này có thể gọi một cách nôm na là làm việc theo nhóm, phòng, ban, tổ, đội. Sai lầm mà nhiều nhà quản lý thường mắc phải là họ cho rằng nhân viên là những người để cho họ sai khiến. Họ cho rằng nhân viên là công cụ, đồ nghề của họ. Họ cho rằng cứ sử dụng nhân viên một cách thành thạo thì họ sẽ trở thành nhà quản lý thành công.

Nhưng quan niệm trên là sai lầm. Chúng ta cần biết rằng vai trò thực sự của người quản lý là quản lý tiến trình chứ không phải là quản lý con người. Mọi người có thể tự quản lý bản thân nếu bạn tạo cơ hội cho họ. Những gì bạn cần tập trung vào là vai trò thực sự của người quản lý đó chính là quản lý chiến lược. Nhóm của bạn chỉ là phương tiện để thực hiện chiến lược bạn đề ra. Công nhân có thể bị thay thế bằng máy móc tự động nhưng công việc quản lý thực sự thì không thể thay thế được. Người quản lý giỏi là người quản lý những thay đổi, phương pháp, chiến lược, tiến trình và quản lý sự cân bằng. 

Trong tất cả những điều trên, chúng ta có thể rất cần tới “nhân sự” song cũng có thể không. Tất nhiên là chúng ta không thể không chú ý tới nhân viên nhưng chúng ta nên trao cho họ quyền tự quản trong phạm vi có thể. Tất nhiên với tư cách là những nhà quản lý, chúng ta phải làm việc với những con người bằng xương bằng thịt và phải biết điều gì thúc đẩy họ. 

Chúng ta phải động viên họ, dạy và cung cấp cho họ phương tiện để làm việc và tự quản lý chính họ; đồng thời chúng ta phải quản lý tiến trình công việc và đưa ra chiến lược cho họ. Chúng ta phải chú ý tới họ, quan tâm, luôn ở bên cạnh và hỗ trợ họ. Tuy nhiên chúng ta không quản lý họ. Chúng ta để cho họ tự quản và chúng ta chỉ tập trung vào vai trò thực sự của chúng ta với tư cách một nhà quản lý.

1.QUY TẮC 1: KHIẾN NHÂN VIÊN TÍCH CỰC VÀ HÀO HỨNG LÀM VIỆC

Bạn quản lý nhân viên. Họ là những người làm công ăn lương. Tuy nhiên, nếu như đối với họ, công việc họ làm “chỉ đơn thuần là công việc” thì bạn không bao giờ khiến cho họ có thể làm việc hiệu quả nhất. Nếu họ đến chỗ làm mà chỉ mong hết giờ và làm việc cầm chừng thì coi như bạn đã thất bại. Nhưng ngược lại, nếu như họ tìm thấy niềm vui trong công việc, họ đến làm việc với tâm trạng hào hứng phấn khởi và tích cực lăn xả vào công việc thì bạn hoàn toàn có cơ hội để sử dụng những năng lực nổi trội nhất của họ. Chính bạn là người phải khuyến khích, lãnh đạo, thúc đẩy, kêu gọi họ và khiến họ tham gia tích cực vào công việc. Mọi việc chỉ có thế thôi. Nhưng bạn lại cảm thấy đó giống như một thách thức đối với bạn đúng không? Thực ra việc làm cho nhóm của bạn trở nên nhiệt tình với công việc họ đang làm là một việc rất dễ. Những gì bạn phải làm là khiến họ quan tâm tới công việc của họ. Điều này cũng rất dễ. Bạn phải làm cho họ ý thức về giá trị công việc họ đang làm, công việc của họ có ảnh hưởng gì tới cuộc sống, nó đem lại những nhu cầu cần thiết gì cho người khác và bằng cách nào mà họ có thể để lại ấn tượng với người khác thông qua sản phẩm họ làm ra. Bạn hãy làm cho họ tin rằng những gì họ làm có ý nghĩa rất lớn cho xã hội chứ không phải chỉ làm giàu cho các cổ đông, chủ công ty.

Bạn hãy quan tâm tới nhân viên của bạn. Đây là một điều dễ làm. Ai cũng mong muốn được đánh giá cao và muốn được coi là người có ích. Tất cả những gì bạn phải làm là thật sự quan tâm tới nhân viên. Bạn sẽ biết được cách quan tâm, suy nghĩ, lo lắng, thấy được trách nhiệm và nhiệm vụ phải để tâm tới nhân viên. Bạn hãy thực hiện trách nhiệm của mình một cách tận tâm và triệt để. Như vậy nhân viên của bạn sẽ quý trọng bạn và gắn bó với bạn lâu bền tới mức chính họ cũng không hiểu rõ lý do vì sao. Tuy nhiên, bạn phải tin tưởng vào chính mình trước khi áp dụng phương pháp này đối với nhóm của bạn. Bạn có tin là những gì bạn làm có ảnh hưởng quan trọng và tích cực không? Nếu bạn không chắc thì bạn hãy bắt đầu quan tâm sâu sắc tới nhân viên của mình và bạn sẽ tìm ra cách quan tâm tới họ…

2. QUY TẮC 2: PHẢI BIẾT NHÓM CỦA BẠN LÀM GÌ VÀ HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

“Chọn được cầu thủ giỏi thì dễ nhưng làm cho họ chơi ăn ý với nhau thì khó”- Casey Stengel, cựu huấn luyện viên New York Yankees

Vậy nhóm làm việc là gì và hoạt động như thế nào? Nếu như chúng ta muốn là một nhà quản lý thành công thì phải tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên. Nhóm làm việc không đơn thuần chỉ là tập hợp một nhóm người. Nó là một tổ chức có chức năng, đặc trưng riêng và quy tắc hoạt động. Mỗi nhóm làm việc đều có nhiều người với những cách thức và cường độ làm việc khác nhau. Nếu như trước đây bạn chưa từng thấy nhóm của bạn làm việc một cách năng nổ, nhiệt tình thì tôi khuyên bạn nên đọc cuốn sách Quản lý nhóm làm việc: Tại sao họ thành công hoặc thất bại của Meredith Belbin. (Nếu như bạn đã từng đọc qua thì mời bạn xem tiếp các chương sau). Cuốn sách của Belbin viết dành cho những nhà quản lý muốn có được kết quả bằng cách khiến cho nhân viên của mình làm việc theo cách hiệu quả nhất. Tôi sẽ nhắc lại những điều ông ấy đã nói và mong muốn bạn phải thực hành những điều ấy. Belbin cho rằng một nhóm có 9 vai trò. Chúng ta thường hay thực hiện một hoặc nhiều vai trò của nhóm. Bạn hãy xác định vai trò nhóm của bạn rồi kiểm tra với những gì bạn tìm được.

9 vai trò của một nhóm làm việc:

  • Là người đặt nền móng: Họ là những nhà tư tưởng đi tiên phong; họ đề ra ý tưởng mới; họ tìm ra giải pháp cho vấn đề khó khăn; họ có lối suy nghĩ cấp tiến, khác biệt, nhiều chiều và sáng tạo.
  • Là người nghiên cứu tìm ra các phương sách: Họ là những người sáng tạo, thích đưa ra ý tưởng mới và thực hiện chúng; họ là người hướng ngoại và rất được người khác mến mộ.
  • Là người hợp tác: Họ tuân thủ theo quy tắc và được quản lý chặt chẽ; họ có thể tập trung vào các mục tiêu và họ đoàn kết thành một nhóm thống nhất.
  • Là người vạch kế hoạch: Họ luôn mong muốn đạt được kết quả, thành tích; họ ưa thích thách thức và khát khao thu được kết quả.
  • Là người đánh giá và phân tích: Họ phân tích đánh giá và cân nhắc; họ là những người bình tĩnh và vô tư; họ luôn suy nghĩ một cách khách quan. Những người làm việc theo nhóm: Họ là những người luôn giúp đỡ lẫn nhau và có tinh thần hợp tác cao; họ luôn đối thoại với nhau nhằm mang lại những điều tốt đẹp nhất cho nhóm. Những người thực hiện công việc. Họ có kỹ năng làm việc tốt; họ làm việc hết mình; họ muốn công việc được hoàn thành.
  • Là người hoàn tất công việc: Họ kiểm tra chi tiết công việc; họ là người gọn gàng và cẩn thận; họ làm việc hết sức tận tâm.
  • Là các chuyên gia: Họ mong muốn trang bị cho mình những kỹ năng chuyên môn; họ làm việc rất chuyên nghiệp; họ có nhiều nghị lực và nhiệt huyết.

Giờ đây bạn đã biết nên chọn ai vào trong nhóm của bạn rồi. Như vậy cụ thể thì một nhóm làm việc nghĩa là gì và bạn sẽ làm gì để nhóm của bạn làm việc một cách hiệu quả? Bạn cần biết rằng nhóm là một tập thể người cùng làm việc vì một mục tiêu chung. Một nhóm không thể làm việc hiệu quả khi mỗi thành viên trong nhóm chỉ lo tập trung vào mục tiêu riêng của mỗi người. Mục tiêu riêng, sự thăng tiến cá nhân v.v… thì hãy gác lại sau giờ làm việc.

Khi bạn nghe thấy cách xưng hô “chúng tôi” nhiều hơn là kiểu xưng hô ‘tôi’ thì khi đó có nghĩa là bạn đã có một nhóm làm việc biết hợp tác với nhau. Bạn cũng sẽ biết bạn có một nhóm làm việc tốt khi những vấn đề khó khăn trở nên dễ dàng bởi vì mỗi khi có khó khăn, các thành viên trong nhóm sẽ nói: “Chuyện sẽ ổn thôi, chúng ta cùng nhau giải quyết”.

3. QUY TẮC 3: ĐẶT RA NHỮNG MỤC TIÊU THỰC TẾ, NHẤT ĐỊNH PHẢI LÀ MỤC TIÊU HẾT SỨC THỰC TẾ

“Chúng ta hãy để lại một cái gì đó cho đời”.Steve Job, Tổng giám đốc, Hãng Apple

Khi tôi đang viết cuốn sách này, có người nói với tôi rằng việc đưa ra các mục tiêu thực tế là không thực tế. Họ cho rằng tất cả các mục tiêu nên có tính “linh động” bởi vì nó sẽ gây ấn tượng tốt cho Ban giám đốc. Chúng ta sẽ nói tới việc gây ấn tượng cho Ban giám đốc. Về lý thuyết thì cách này nghe có vẻ rất hay nếu Ban giám đốc của bạn chỉ là những đứa trẻ ngây thơ không biết gì. Tuy nhiên, tôi dám chắc rằng Ban giám đốc của bạn không phải là những người như thế. Họ là những người khôn ngoan có thể phát hiện ra những âm mưu kiểu đó ngay lập tức. Khi tôi nói mục tiêu thực tế, tôi không có ý nói tới mục tiêu thấp hay mục tiêu dễ dàng đạt được. Điều này có nghĩa là mục tiêu cũng có thể phải rất vất vả mới đạt được. Nó có nghĩa là một mục tiêu có nhiều thử thách. Như vậy, nhóm của bạn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, làm việc chăm chỉ hơn, lâu hơn, nhanh nhẹn hơn, tháo vát hơn.

Quy tắc 3 nói rằng mục tiêu của bạn phải thực tế. Điều này có nghĩa là mục tiêu này phải có tính khả thi trong khả năng của bạn. Và tất nhiên bạn có thể linh động đôi chút cho mục tiêu của mình. Mục tiêu thực tế có nghĩa là bạn biết nhóm của bạn có khả năng đến đâu và cấp trên của bạn mong đợi gì ở mục tiêu ấy. Bằng cách nào đó bạn phải hài hòa được cả nhóm của bạn và sếp của bạn. Bạn không thể ép nhóm của bạn làm việc một cách cật lực và cũng không thể để cho cấp trên của bạn nghĩ rằng công việc của bạn đang trì trệ.

Nếu cấp trên của bạn nhất quyết đưa ra những mục tiêu không thực tế thì bạn phải nói cho họ biết. Bạn đừng tranh cãi hay trì hoãn, cứ nói cho họ biết là được. Sau đó, bạn nên đưa ra một mục tiêu có tính khả thi của chính bạn. Tính khả thi cần được chứng minh bằng những sự kiện và số liệu thực tế. Bạn cần tiếp tục phản ánh những vấn đề cần giải quyết để cấp trên của bạn xác minh lại. Dù cấp trên của bạn có làm theo cách nào đi nữa thì vấn đề của bạn cũng đã được giải quyết. Nếu họ yêu cầu bạn phải hoàn thành mục tiêu không có tính khả thi thì bạn vẫn vô can. Lý do là nếu bạn không thể hoàn thành được mục tiêu đó, bạn có thể giải thích với họ rằng chính bạn đã từng phản đối và nói cho họ biết tính không khả thi của mục tiêu đó.


Tăng cường quá trình ra quyết định của bạn với AI Dashboard
Chuyển đổi quy trình ra quyết định của bạn với Bảng điều khiển AI