Chatbot mới của OpenAI đang thu hút chú ý khi nhiều người dùng Internet tin nó có thể viết mọi thứ, từ kịch bản phim đến khóa luận.
Người dùng có thể nhập câu hỏi bằng ngôn ngữ hàng ngày và chatbot sẽ phản hồi trôi chảy, lưu loát giống như một cuộc trò chuyện bình thường. ChatGPT đã gây ấn tượng nhờ khả năng giao tiếp của mình, thu về hơn một triệu người dùng thử chỉ sau một tuần ra mắt. Đây là sản phẩm của một công ty trí tuệ nhân tạo do tỷ phú Elon Musk đồng sáng lập.
Trí tuệ nhân tạo (AI) trong các công nghệ mới nổi ngày càng tiến bộ nhanh chóng. Hãng OpenAI vừa giới thiệu sản phẩm mới nhất, chatbot ChatGPT, cho công chúng thử nghiệm từ ngày 30/11. Chatbot là phần mềm được thiết kế để trò chuyện với con người dựa trên các dữ liệu mà người dùng đưa ra.
Sam Altman, đồng sáng lập kiêm CEO OpenAI, chia sẻ, chỉ trong vòng 1 tuần, hơn 1 triệu người đã sử dụng ChatGPT.
Ai sở hữu OpenAI?
Công ty phát triển và nghiên cứu OpenAI do hai nhà đầu tư Sam Altman và tỷ phú Elon Musk thành lập vào năm 2015, hoạt động với mục đích phi lợi nhuận. OpenAI cũng huy động vốn từ các tên tuổi khác như nhà đầu tư mạo hiểm Peter Thiel. Năm 2019, hãng lập thêm một pháp nhân khác để kinh doanh.
Musk rời Ban quản trị OpenAI năm 2018. Ông khen ngợi hiện tượng ChatGPT là “tốt một cách đáng sợ”. Dù vậy, ông đã tạm dừng cho OpenAI truy cập cơ sở dữ liệu Twitter sau khi biết được OpenAI dùng nó để “đào tạo” công cụ.
OpenAI hoạt động như thế nào?
Theo OpenAI, mô hình ChatGPT được đào tạo bằng kỹ thuật máy học có tên Học tăng cường từ Phản hồi của người dùng - Reinforcement Learning from Human Feedback (RLHF). Công ty khẳng định ChatGPT có thể mô phỏng các đoạn hội thoại, trả lời câu hỏi, nhận khuyết điểm, thách thức những tiên đề không chính xác và từ chối yêu cầu không hợp lý.
Ban đầu, các huấn luyện viên AI là con người sẽ cung cấp cho mô hình các cuộc hội thoại, trong đó, họ đóng cả hai vai – người dùng và trợ lý AI. Phiên bản botchat đang thử nghiệm hiện nay cố gắng hiểu câu hỏi do người dùng đặt ra và phản hồi bằng những câu trả lời chuyên sâu giống như con người dưới định dạng hội thoại.
ChatGPT có thể dùng làm gì?
ChatGPT có thể sử dụng trong các ứng dụng thực tế như tiếp thị kỹ thuật số, sáng tạo nội dung trực tuyến, trả lời câu hỏi của khách hàng, thậm chí còn giúp tìm lỗi (bug) trong code.
Bot phản hồi được nhiều loại câu hỏi trong khi bắt chước phong cách của con người.
Một trong những lý do khiến ChatGPT được đón nhận chỉ sau ít ngày ra mắt là OpenAI cung cấp nó miễn phí. Trước đây, các siêu AI thường phục vụ mục đích nghiên cứu hoặc thương mại hóa. Ngay cả với bản tiền nhiệm là GPT-3, chỉ một nhóm nhỏ kỹ sư được đăng ký sử dụng. Trong khi đó, với các AI phổ thông dùng để hoán đổi khuôn mặt, người dùng cũng phải trả phí hoặc đánh đổi bằng dữ liệu riêng tư của mình. Với ChatGPT, nhà phát triển không yêu cầu người dùng nhập số điện thoại hay cấp quyền truy cập vào kho dữ liệu cá nhân. Hôm 5/12, website ChatGPT đã bị gián đoạn với lý do "quá tải" vì lượng người dùng quá cao.
Dù ChatGPT có thể trả lời gần như mọi câu hỏi, không phải nội dung nào cũng được hệ thống "phục vụ". OpenAI đã lập trình để từ chối các yêu cầu không phù hợp, như nội dung phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, thậm chí là "nói xấu" những mô hình AI khác.
Khả năng của ChatGPT của OpenAI khi trực tuyến gây kinh ngạc cho người dùng:
Viết chương trình theo yêu cầu
Để viết được một chương trình, thì người viết chương trình thường cần phải biết về tư duy lập trình và cú pháp của ngôn ngữ lập trình.
Người dùng Twitter là Gabe, một kỹ sư tại LexicaArt đã nói rằng ChatGPT thực sự rất giỏi với việc viết mã chương trình cho các câu hỏi.
Gabe đã hỏi ChatGPT như sau: “cách tạo footer 3 cột với Tailwind”. Sau đó, Gabe xem xét câu trả lời của ChatGPT và hỏi tiếp về một “phiên bản React” và hỏi tiếp một “bản sao thực tế hơn và khả năng phản hồi trên thiết bị di động”.
Soát lỗi và hướng dẫn sửa lỗi trong chương trình
Lập trình là một kỹ năng đòi hỏi tư duy và logic. Các lập trình viên thường có thể sẽ mắc lỗi trong quá trình viết chương trình.
Tìm lỗi và sửa lỗi chương trình là 1 công việc có thể nói là khó và phức tạp hơn lập trình.
ChatGPT đã gây bất ngờ khi có thể tìm lỗi, giải thích lỗi, và hướng dẫn cách sửa lỗi. Sau đây là một ví dụ từ người dùng Twitter.
Phát hiện lỗ hổng bảo mật
Một ví dụ bất ngờ khác là ChatGPT có thể phát hiện ra những lỗ hổng bảo mật trong đoạn mã (code) mà bạn cung cấp.
Một người dùng Twitter đã thốt lên sự bất ngờ của mình khi xem câu trả lời của ChatGPT. Cụ thể, tài khoản người dùng viết: “Không đời nào, OpenAI thực sự có thể phát hiện lỗ hổng XSS trong các đoạn mã".
Gần đây, cộng đồng lập trình viên tỏ ra phấn khích hơn khi có thể tìm thấy câu trả lời từ ChatGPT nhanh và chính xác hơn cả tìm trên google:
Có vấn đề gì với ChatGPT hay không?
Cũng như nhiều giải pháp AI khác, ChatGPT không hoàn hảo. OpenAI thừa nhận xu hướng phản hồi bằng các câu trả lời nghe có vẻ hợp lý nhưng không chính xác hoặc vô nghĩa. Công ty đang tìm cách khắc phục.
AI cũng có thể phân biệt đối xử dựa trên gương mặt, giới tính, văn hóa. Các “ông lớn” như Google, Amazon đều gặp phải vấn đề này khi thử nghiệm AI. Tại một số công ty, con người phải can thiệp và sửa chữa khuyết điểm của AI.
Bất chấp nhiều lo lắng, nghiên cứu về AI vẫn duy trì sức hút. Đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp phát triển và vận hành AI tăng lên gần 13 tỷ USD năm ngoái. Tính đến tháng 10/2022, đã có 6 tỷ USD được rót vào, theo dữ liệu từ PitchBook.
(Theo Reuters)