Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen và hành vi tiêu dùng khiến các mô hình bán lẻ truyền thống gặp nhiều khó khăn. Trong khi giá thuê mặt bằng không giảm, thì lưu lượng khách đến cửa hàng lại giảm mạnh. Sự thay đổi này đòi hỏi đổi mới trong cách vận hành bán lẻ. Mô hình One – stop shop (cung cấp tất cả dịch vụ tại một điểm đến) đang dần trở thành xu hướng không chỉ giúp các chuỗi cửa hàng bán lẻ vượt qua khủng hoảng, mà còn có thể đặt nền móng cho một nền bán lẻ hoàn toàn mới và hiện đại trong tương lai.
One-stop shop và những ưu thế
One-stop shop tạm dịch là cửa hàng một điểm đến, là trung tâm kinh doanh/cửa hàng có diện tích lớn, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng đa dạng về phong cách, mẫu mã, chủng loại đến phân khúc giá cả. Tại đây, chỉ một lần dừng chân, khách hàng có thể lựa chọn, mua sắm và sử dụng nhiều dịch vụ cho các nhu cầu khác nhau của mình.
Theo Investopedia, khái niệm về One-stop shop có từ đầu thế kỷ 20 ở Mỹ, khi một chuyến mua sắm hàng hóa đồng nghĩa với việc bạn phải đi khắp thị trấn để lấy thịt từ cửa hàng thịt, lấy rau từ chợ rồi lại qua cửa hàng bánh mì để mua bánh. Và đó mới chỉ là thực phẩm, còn những công cụ lao động và vật dụng gia đình khác đòi hỏi người ta phải ghé thăm nhiều cửa hàng hơn nữa. Sau đó, mọi người muốn tiết kiệm thời gian, vì vậy các cửa hàng đã đáp ứng lại bằng cách dự trữ một loạt các sản phẩm để khách hàng chỉ cần đến địa điểm của họ là có thể hoàn thành được phần lớn danh sách mua sắm của mình. Piggly Wiggly, được coi là cửa hàng tạp hóa tự phục vụ đầu tiên, mở cửa vào năm 1916. The Great Atlantic & Pacific Tea Company, hay còn được gọi là A&P, đã trở nên phổ biến ở các thành phố của Mỹ vào những năm 1920. King Kullen - siêu thị đầu tiên đã mở một cửa hàng rộng 6.000 foot vuông vào năm 1930. Chuỗi cửa hàng như Woolworth và JC Penney kinh doanh đủ loại mặt hàng sử dụng hàng ngày cũng mọc lên như nấm sau đó.
Cuối cùng, khái niệm về One-stop shop được mở rộng theo thời gian để bao gồm các dịch vụ kinh doanh. Sắc thái cũng chuyển từ cung cấp sản phẩm rộng rãi để thu hút nhiều khách mua hàng tạp hóa hơn sang cung cấp tất cả các sản phẩm và dịch vụ bổ sung cho khách hàng trong một khu vực cụ thể. Cụ thể, những năm 1980 chứng kiến sự trỗi dậy của các "siêu thị tài chính " các công ty môi giới như Merrill Lynch bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, sản phẩm bảo hiểm, thẻ tín dụng và thậm chí cả dịch vụ bất động sản.
Vì chuyên kinh doanh đa dạng sản phẩm của một ngành hàng nên One-stop shop mang đến cho người tiêu dùng sự tập trung, chuyên sâu nhất định của sản phẩm trong ngành hàng đó. Việc chú ý đến các khía cạnh trong cuộc sống của khách hàng cho phép cửa hàng cung cấp dịch vụ và điều chỉnh để làm sao phù hợp trong từng lĩnh vực. Mô hình này cũng khiến mức độ tin cậy cao tăng lên theo thời gian khi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ của một doanh nghiệp cụ thể nhiều hơn và xây dựng mối liên hệ cá nhân với doanh nghiệp đó. Có thể có những đặc quyền về lòng trung thành đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp đạt được mức độ tin tưởng cao hơn rằng khách hàng sẽ không chuyển sang nhà cung cấp khác chỉ vì lý do giá cả.
Mô hình một địa điểm, đa dịch vụ (one-stop shop) ngày càng phổ biến, không chỉ đối với kinh doanh siêu thị. Ảnh: Hiệu sách Tiến Thọ với mô hình vừa bán sách, thiết bị vừa kinh doanh khu vui chơi trẻ em. Phụ huynh có thể trải nghiệm dịch vụ ăn uống bên trong thay vì cảm giác mệt mỏi phải đưa con đi chơi.
Nhược điểm của cửa hàng một điểm dừng được thể hiện trong câu nói "Một nghề cho chín còn hơn chín nghề". Mặc dù các dịch vụ và khả năng đa dạng có thể được cung cấp tại một tổ chức, nhưng họ có thể không phải là chuyên gia hoặc không thể sáng tạo như các dịch vụ được cung cấp bởi các chuyên gia chuyên về những lĩnh vực đó. Mua sắm tại One-stop shop, người tiêu dùng có thể tiết kiệm tiền, nhờ tính kinh tế theo quy mô của công ty, nhưng cũng có thể không. Sự tiện lợi của cửa hàng một điểm dừng thường đi kèm với chi phí. Theo quan điểm của cửa hàng, có những hạn chế tự nhiên về số lượng sản phẩm và dịch vụ mà một công ty có thể cung cấp cho khách hàng trong khi vẫn duy trì chất lượng vượt trội. Một số công ty mở bộ dịch vụ của họ quá rộng, làm xói mòn các dịch vụ cốt lõi đã khiến họ trở nên nổi bật đối với khách hàng đó ngay từ đầu.
Xu thế phát triển của ngành bán lẻ truyền thống
Trên thực tế, có thể thấy mô hình trung tâm thương mại chuyên kinh doanh một số mặt hàng thời trang, mỹ phẩm... đang ngày càng khó cạnh tranh hơn với những điểm mua sắm theo mô hình One-stop shop. Theo các chuyên gia, tuy ở cùng thành phố hay một khu vực nhưng luôn tồn tại sự đa dạng về hành vi, thói quen lẫn năng lực, sở thích tiêu dùng của khách hàng ở những lứa tuổi khác nhau. Khi cuộc sống càng hiện đại thì con người càng đòi hỏi cao về sự tiện lợi và dễ dàng. Xu hướng tiêu dùng ngày nay chính là One-stop shop - nơi người tiêu dùng có thể tìm thấy câu trả lời cho mọi nhu cầu của họ. Chính vì vậy, sự đa dạng của One-stop shop sẽ giúp mô hình này phát triển tốt và luôn được ưa chuộng.
Các trung tâm thương mại ra đời sau ở các thành phố lớn cũng định vị khách hàng ở tầng lớp trung lưu nhưng có quy mô lớn hơn và đi theo mô hình One-stop shop. Mô hình này đáp ứng đầy đủ các loại nhu cầu, tiện ích cho khách hàng (thậm chí là mọi thành viên trong gia đình khách), từ mua sắm tại các siêu thị tổng hợp đến ăn uống, vui chơi, xem phim... nên kích thích được sức mua, mở rộng được nhóm khách hàng.
Các doanh nghiệp trong nước cũng có khuynh hướng theo mô hình “one-stop shop”, như Vingroup có Vincom; Saigon Co.op - chủ hệ thống chuỗi siêu thị Co.opmart - đang từng bước phát triển TTTM Sense City ở khu vực miền Tây nhắm tới đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình - khá, đáp ứng xu hướng mua sắm kết hợp thư giãn, giải trí... của một phân khúc khách hàng mới, nhất là những người trẻ, năng động. Hay như tại chuỗi Điện Máy Xanh, mặt bằng kinh doanh được tối ưu hơn khi bày bán đồ điện máy đồng thời cùng với những sản phẩm bán chạy khác như xe đạp hay laptop. Thay vì chỉ bán điện thoại, các cửa hàng FPT Store đã dần tích hợp thêm các module bán thuốc.
Đáng chú ý, gần đây nhất phải kể đến hệ thống các điểm bán của VinCommerce (gồm VinMart và VinMart+) đang phát triển để trở thành điểm đến One-stop shop phục vụ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng. Ở đó bạn có thể tìm thấy tất cả những gì mà mình cần: từ việc mua thực phẩm, đồ gia dụng cho đến… trà sữa Phúc Long hay thực hiện các giao dịch tài chính với Techcombank.
Sự xuất hiện của mô hình One-stop shop được xem là lựa chọn tối ưu nhất. Bởi mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn, tiện ích, giúp tiết kiệm thời gian hơn so với việc mua sắm tại các cửa hàng riêng lẻ. Trong thời gian tới, One-stop shop sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh và rộng rãi. Tuy nhiên, để kinh doanh mô hình này thành công đòi hỏi khá nhiều yếu tố. Đó là sự kết hợp khéo léo đa dạng sản phẩm, vị trí và diện tích mặt bằng, quản lý tốt dịch vụ cùng nguồn đầu tư vững mạnh.
Trung Anh