Đoạn kết buồn của Toshiba: Vì đâu nên nỗi?
Xung đột ngầm trong ban quản trị, chậm đổi mới công nghệ, tầm nhìn sai về thị trường, không tạo sự đột phá hậu giai đoạn chín muồi sau một thế kỷ thống trị... là những nguyên nhân dẫn đến bức tranh tương lai ảm đạm của Toshiba. Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản thậm chí không thể cạnh tranh nổi về giá và độ nhanh nhạy về nắm bắt công nghệ với các hãng công nghệ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Từng là biểu tượng cho sự thống trị của Nhật Bản trong lĩnh vực điện tử song ngày 20/12 vừa qua, Toshiba chính thức hủy niêm yết, khép lại một chương thăng trầm kéo dài suốt 74 năm trên sàn chứng khoán Tokyo. Điều gì đã khiến một trong những “tượng đài” công nghiệp nổi tiếng nhất sụp đổ như vậy?


Những vấn đề quản trị

Thành lập năm 1875, Toshiba bắt đầu sản xuất bóng đèn sợi đốt và thiết bị điện báo. Sau đó, hãng mở rộng sang tủ lạnh, máy giặt, tivi màu, máy tính xách tay và đầu đĩa DVD. Một số thiết bị trong đó là thứ đầu tiên ở Nhật Bản hoặc thậm chí trên thế giới.

Khoảng thời gian từ 1940 đến đầu những năm 2000 là thời kỳ hoàng kim của Toshiba khi họ là thương hiệu đã được khẳng định tại vài thị trường quan trọng và cũng là một trong những hãng điện tử lớn nhất thế giới.

Dù là một công ty lâu đời cùng thương hiệu quen thuộc với mọi gia đình, nhiều vụ bê bối gần đây của Toshiba đã khiến danh tiếng của hãng tan tành. Nguồn gốc của những vụ bê bối này có thể bắt nguồn từ cú trượt dài trong quản trị doanh nghiệp: thiếu sự giám sát nên không kiềm chế được sự cạnh tranh giữa các cựu giám đốc điều hành, đặt áp lực quá mức lên nhân viên, dẫn đến bê bối kế toán rúng động được đưa ra ánh sáng vào năm 2015.


Ba cựu giám đốc đã phải từ chức hoặc nghỉ hưu do bê bối. Họ là Atsutoshi Nishida của bộ phận máy tính cá nhân; Norio Sasaki, làm trong bộ phận năng lượng nguyên tử; Hisao Tanaka từ phòng mua sắm. Toshiba mua lại hãng năng lượng nguyên tử Westinghouse năm 2006 khi Nishida còn tại nhiệm.

Những bằng chứng quản trị yếu kém của Toshiba bộc lộ rõ rệt trong thời gian qua. Chẳng hạn, Toshiba công bố số liệu lợi nhuận của những năm bị ảnh hưởng trong bê bối kế toán vào 23h45 ngày 13/5/2015. Đến tháng 11, công ty tổ chức một cuộc họp báo quan trọng, bao gồm thông báo đang đâm đơn kiện chống lại ban quản lý cũ và kế hoạch tái cấu trúc, vào cuối tuần. Tháng 8/2016, hãng tiếp tục công bố báo cáo kinh doanh vào kỳ nghỉ hè của Nhật Bản. Từ đó tới nay, không ít lần báo cáo được phát hành muộn hơn dự kiến.

Năm 2017, Masayuki Kubota – chuyên gia của Viện nghiên cứu kinh tế chứng khoán Rakuten – từng nêu vấn đề: “Tôi không thể không đặt câu hỏi liệu hệ thống quản lý của Toshiba có phù hợp với một công ty niêm yết hay không”?

Chìm trong sai lầm và bê bối

Thất bại của Toshiba chủ yếu bắt đầu từ khi công ty quyết định “chơi lớn” đầu tư vào năng lượng nguyên tử. Năm 2006, hãng điện tử Nhật Bản chi khoảng 5 tỷ USD mua lại phần lớn cổ phần trong Westinghouse với tầm nhìn thế giới cuối cùng sẽ chuyển từ nhiên liệu hóa thạch không bền vững sang năng lượng hạt nhân an toàn. Dù có vẻ là khoản đầu tư tiềm năng, trên thực tế, năng lượng hạt nhân không thực sự phát triển.

Thêm vào đó, Nhật Bản trải qua thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011 làm hỏng lõi lò phản ứng hạt nhân Fukushima. Hậu quả sau đó lớn tới mức Chính phủ Nhật Bản cấm bất kỳ loại sản xuất điện hạt nhân nào, khiến Toshiba mất một phần vốn lớn.

Ngoài ra, Toshiba hoàn toàn bỏ lỡ cuộc cách mạng di động và smartphone từ năm 2010. Thay vào đó, họ đánh cược vào sản xuất HD-DVD và tivi 3D nhưng không sản phẩm nào thành công dù chi hàng núi tiền.


Bê bối kế toán năm 2015 là đòn giáng cuối cùng vào uy tín vốn đã xuống thấp của Toshiba. Những sai sót kế toán tại nhiều bộ phận được phơi bày, phần lớn liên quan đến quản lý cấp cao. Trong vòng 7 năm, Toshiba phóng đại lợi nhuận thêm 1,59 tỷ USD. Năm 2020, Toshiba vẫn tiếp tục phát hiện bất thường trong kế toán. 

Toshiba đã phải bán đi nhiều mảng kinh doanh như điện thoại di động, hệ thống y tế và đỉnh điểm là tài sản danh giá nhất – Toshiba Memory – để có tiền mặt, đúng vào thời điểm các doanh nghiệp đang đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ tương lai.

Khi “gã khổng lồ” bán mình

Cuối năm 2017, Toshiba như chết đuối vớ được cọc khi được “bơm” thêm 5,4 tỷ USD tiền mặt từ các nhà đầu tư ngoại, tránh khỏi việc bị hủy niêm yết. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa các cổ đông ngoại sẽ có tiếng nói nhiều hơn trong hướng đi của công ty.

Điều đó dẫn đến cuộc chiến nội bộ kéo dài làm tê liệt nhà sản xuất pin, chip, thiết bị hạt nhân và quốc phòng của Nhật Bản. Sau rất nhiều lần trao đổi qua lại về việc liệu công ty có nên tách thành các công ty nhỏ hơn hay không, Toshiba đã thành lập một ủy ban để tìm hiểu phương án tư nhân hóa.

Tháng 6/2022, Toshiba nhận được 8 lời đề nghị mua đứt. Đầu năm nay, “gã khổng lồ” một thời xác nhận sẽ bán mình cho một nhóm các nhà đầu tư Nhật Bản do Japan Industrial Partners (JIP) dẫn đầu với giá 14 tỷ USD. Không rõ các chủ sở hữu mới dự định xoay chuyển Toshiba như thế nào song Chủ tịch sắp mãn nhiệm của họ cho biết trọng tâm sẽ là các dịch vụ kỹ thuật số lợi nhuận cao.

JIP có lịch sử thâu tóm các mảng kinh doanh của các doanh nghiệp lớn như mảng laptop của Sony, mảng máy ảnh của Olympus. Sau khi mua lại Vaio từ Sony năm 2014, tập đoàn đã giúp công ty đạt doanh số kỷ lục năm 2022. Dù vậy, Toshiba là công ty lớn hơn nhiều và rủi ro cũng cao hơn. Họ đang tuyển dụng khoảng 106.000 nhân sự và một số hoạt động được xem là quan trọng với an ninh quốc gia.

Ngày 20/12, Toshiba hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo, khép lại 8 năm nhiều biến động. Trong thông cáo một ngày trước đó, công ty cho biết đang “thực hiện bước tiến lớn hướng đến tương lai mới với cổ đông mới” và sẽ “cố gắng nâng cao hơn nữa giá trị doanh nghiệp, đóng góp cho xã hội”.

Dù là công ty Nhật Bản đầu tiên phát triển thiết bị phát sóng năm 1952, máy tính kỹ thuật số năm 1954, lò vi sóng năm 1959 và là tên tuổi trăm năm, Toshiba là điển hình về việc một công ty tầm cỡ cũng có thể mất chỗ đứng trên thị trường nhanh như thế nào khi đưa ra quyết định kinh doanh tồi tệ và kém may mắn.

Nguồn: Vietnamnet



Không dám bước vì sợ gãy chân, nhưng vì sợ gãy chân mà không dám bước thì chẳng khác nào chân đã gãy
Chúng ta thường sợ thất bại. Nhưng rất ít người nhận ra thất bại là một loại động lực, thậm chí là chất xúc tác để chúng ta rút ra nhiều bài học từ đời thực thay vì kiến thức trên giảng đường.