Báo chí đưa tin một số công ty xe khách nổi tiếng như công ty X, công ty Y giờ phải đối phó với nợ nần đến hơn mấy ngàn tỷ đồng. Kinh ngạc, bởi họ đang làm ăn rầm rộ kia mà! Có lẽ đây là bài học xương máu cho những ai đang ôm trong lòng khát vọng kinh doanh mà không biết điểm dừng.
Kiểu kinh doanh phương Tây với mô hình tập đoàn đã khuyến khích đầu tư quy mô lớn, gom tất cả về tay mình, bất kể miếng bánh thị trường là bao nhiêu. Vì anh có vốn lớn nên có thể phát triển kinh doanh, sản xuất, cũng là điều tốt. Nhưng nếu anh có thực lực đúng như vậy thì không sao, đằng này anh vay mượn tùm lum để làm và cũng đầu tư dàn trải, có nghĩa anh đã đi quá khả năng của mình, thì dễ mất kiểm soát, dễ thất bại. Thay vì đầu tư giao thông vào cả chục tỉnh, chỉ nên đầu tư vào vài tỉnh trước đã, rồi làm cho thật tốt, sau đó mới phát triển thêm. Chưa chi đã tràn lan một lúc, sức không theo kịp. Nói theo Phật pháp thì anh đã sử dụng vượt hơn cái “Phước” mà anh có. Phước anh chỉ đến 2.000 tỷ thôi, chẳng hạn, mà anh sử dụng đến 5.000 tỷ, vì thế anh bị tổn hại. Nhiều doanh nghiệp đã đi vay ngân hàng, dĩ nhiên được chấp nhận, nhưng vay đến mức nào đó thì sẽ quá cái phước trời cho.
Chưa ai tính được mức nào để gọi là “không quá phước”, nhưng chắc chắn người làm ăn cẩn thận sẽ cảm nhận được. Nếu tiền vay của anh nhiều hơn tiền thực trong túi thì nguy hiểm vô cùng. Anh có 7, chỉ vay 3, có khi lại an toàn. Hoặc có 6, vay 4, cũng còn chấp nhận. Hoặc vay lần 1, lần 2, trời vẫn còn cho, nhưng cứ vay thêm, vay thêm, với số tiền tăng hơn quá nhiều, thì coi chừng đã vượt xa cái phước, trời nào còn cho nữa. Nợ của Mai Linh là 4.700 tỷ đồng, chiếm hơn 80% vốn, là một minh chứng cụ thể.
Mô hình tập đoàn còn khuyến khích người ta kinh doanh đa dạng, cho nên mới thấy nhà xe mà lao vào bất động sản. Có thể duyên nghiệp của anh chỉ có trong lĩnh vực giao thông, nhưng anh lại thò tay vào lĩnh vực khác, thì phước không có. Người ta quên chữ “nghiệp”, cứ tưởng cái gì mình cũng có duyên với nó. Đa năng là tốt, nhưng có khi “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Ngành kinh doanh chính quản lý chưa xong mà còn chia tâm sức cho ngành phụ, nên cả hai đều rối. Thực ra buôn bán nhà đất là một ngành thời thượng, ban đầu lãi rất cao, nên rất nhiều người lao vào, chuyên lẫn không chuyên và bây giờ đang thê thảm.
Ngay cả những doanh nghiệp chuyên về nhà đất cũng bị phá sản, bởi khi nhà đất đóng băng họ phải è cổ ra trả lãi vay ngân hàng, mà phần nợ lại lớn hơn phần vốn thật có, cho nên mới chết. Cũng là trường hợp sử dụng quá cái phước của mình. Nhiều người chỉ có tiền đủ mua 5 miếng đất nhưng lại đi vay mua tới 10, 20 miếng, không phải tham lam hay sao? Và chính vì họ đầu cơ đất đai nên mới đẩy giá nhà đất lên cao như thế, khiến người dân bình thường không mua nổi, thế là đóng băng, họ vỡ nợ. Một chuỗi nhân duyên mắt xích nhau. Có cái này nên có cái kia. Cái này sinh nên cái kia sinh. Đúng với lời Phật dạy.
Phật còn nói trong các điều vui của cuộc sống con người có một điều là “không mắc nợ”. Dù làm ăn ồ ạt cách mấy nhưng đã mắc nợ thì phải canh cánh trong lòng, không sao tránh khỏi. Nợ trong khả năng chi trả thì đỡ lo, chứ nợ quá nhiều dễ bị stress, bệnh tim, cao huyết áp. Bài học này dành cho tất cả những ai đang ôm mộng làm giàu. Làm giàu chân chính đã khó, lại càng khó khi biết dừng lại ở cái phước của mình. Bởi khi làm ăn có lãi thì người ta “say” lắm, lái chiếc xe tăng tốc lúc nào không hay, mà quên “thắng” lại kịp thời.
Sưu tầm